Huynh đệ Hoàng Đức về đến trạm giao dịch Động Đình hồ, gõ mõ hồi thứ nhất "cốc cốc" Phùng Hưng tuyên bố :
― Hôm nay triệu tập toàn thể quí bang chúng trong trại để di tản đến địa điểm mới, cùng lúc bổ sung nhân sự. Từ nay Phùng Điền bang có danh xưng mới là Hoàng Đức Bang, thất huynh đệ của mỗ xin tuyên bố tộc danh, như Phùng Hưng, Lữ Trường Gia, Trịnh Đình Thao, Lê Trung Kha, Mạc Thu Tá, Hoàng Quốc Kỳ, Hoàng Tố Nguyệt. Mục đích sự thay đổi này nhằm mục đích làm cho phù hợp hoạt động nghĩa hiệp. Huynh đệ nào theo Hoàng Đức Bang thì đến nơi mới lập nghiệp, còn không sẽ được cấp số vốn về nguyên quán sinh sống, còn trạm dịch này sẽ phóng hỏa hôm nay.
Bang chúng đồng lên tiếng :
― Thất huynh đệ, Tổng bang chủ Hoàng Đức Bang ở đâu, chúng bang cùng ở đó, nguyện hy sinh, sống chết có nhau cùng tổng bang chủ.
Phùng Hưng tuyên bố tiếp :
― Thưa quí huynh đệ, tinh thần nghĩa hiệp của quí huynh đệ đối với thất huynh đệ mỗ xem như một lời thề nguyện sống chết có nhau. Ba mươi hai bang chúng trạm hồ Động Đình đồng vui mừng vỗ tay hoan hô từ nay hoạt động theo nghĩa hiệp của Hoàng Đức Bang khởi đầu từ lúc này. Tiếng gõ mõ, hồi thứ hai báo động bang chúng khuân vác tất cả vật dụng cần thiết xuống ghe thuyền. Tiếng gõ mõ, hồi thứ ba cho biết Lữ Gia thay mặt Phùng Hưng tuyên bố:
― Tổng bang chủ quyết định khởi hành, đoàn ghe thuyền về hướng Bắc hồ Động Đình. Tạm lập trạm mới tại nhà trưởng trạm Lưu Đình Thanh gần mé sông Tương Thủy, nơi này là hợp lưu của các con sông trước khi chúng tuôn nước ra hồ Động Đình.
Lưu Đình Thanh vui mừng nói :
― Thưa tổng bang chủ cùng quí huynh đệ, theo ngu đệ thấy từ xưa nay Phùng Điền Bang chỉ hoạt động trên đường bộ, nếu ngày nay hoạt động thêm đường thủy thì thuận lợi hơn nhiều. Nếu tính từ Động Đình hồ di chuyển trên sông Ly Thủy thì vào được phía Đông Nam Trường Sa. Hướng di chuyển này xuyên qua Quế Lâm rồi đến Tây Giang nối vào thành Phiên Ngung, lấy đường thủy làm huyết mạch ra vịnh Hổ Môn. Về phía Đông hồ Động Đình còn có sông Tương Thủy chảy vào hai phụ lưu sông Bằng Giang, sông Tây Giang, sông Kỳ Cùng từ Giao Chỉ chảy ngược lên nối vào phía Đông ở Quế Lâm, vào phía tây ở Thượng Quận. Đây là một hợp lưu của các sông Bắc Giang, Đông Giang và Tây Giang cùng chảy ra cửa biển Nam Hải. Đặc biệt sông Tương Thủy có một hợp lưu thứ hai ở phía đông Châu Giang chảy xuyên qua Nam Hải.
Phùng Hưng hiểu đươc lý của đường thủy, rồi cười nói :
― Lưu Hiền đệ, nhờ đâu mà hiểu rạch ròi về đường thủy vậy ?
Lưu Đình Thanh có lòng tin đã tuyết phục được bang chủ đáp :
― Thưa bang chủ, ngày còn thơ ấu, tiểu đệ theo gia gia mua bán hàng tơ lụa, di chuyển bằng đường thủy, đi khắp mọi nơi. Nhờ vậy đệ mới biết đường sông nẻo rạch, nay mạo muội trình bày không biết bang chủ có dùng được không ?
Phùng Hưng gật đầu đôi lần tỏ vẻ đồng ý, chàng tươi cười nói :
― Rất cảm ơn Lưu hiền đệ. Đây cũng là lúc khởi đầu để Hoàng Đức Bang chuẩn bị hoạt động cả hai đường bộ và đường thủy. Hôm nay may có hiền đệ biết rạch ròi thủy lộ lẫn thủy trình thì Hoàng Đức Bang sẽ được tăng thêm sức mạnh ! Mỗ xin tán đồng ý kiến của hiền đệ. Nhân đây nhờ hiền đệ vẽ một bản đồ đường thủy trong vòng mươi ngày; sau đó hiền đệ hãy nhận lãnh nhiệm vụ phó Thủy Quản Binh. Nay mai mỗ sẽ tuyển chọn một trăm huynh đệ luyện tập thuật thủy chiến.
Lưu Đình Thanh lên tinh thần, lòng vui mừng :
― Đa tạ bang chủ, ngu đệ thi thố hết khả năng, sự hiểu biết này đáp lại lòng tin dùng của bang chủ !
Hoàng Đức Bang đã từng suy nghĩ về kế hoạch đường thủy, tương lai những con sông chính là mạch huyết hoạt động của Hoàng Đức Bang. Bang này khởi nghiệp mới thay hình đổi thể, tổ chức sinh hoạt như lập thôn làng, lập trạm theo gia cư Lạc dân. Thế đất có sẵn sau lung là núi, trước mặt là sông, dịch trạm có bộ chỉ huy đặt ngay những thị trấn lớn nhỏ. Tổng chỉ huy lấy rừng làm mật trú. Trong công việc phát triển bang, các bang chúng dựa trên tiêu chuẩn khả năng đức hạnh, bảo mật hoạt động của từng bang chúng bằng hiệu lệnh.
Phùng Hưng truyền khẩu lệnh khẩn :
― Nay dịch trạm có tên và có số, tổng cộng ba mươi chín trạm đang hoạt động ở khắp nơi, nhưng chỉ thay đổi nhân sự cho phù hợp tổ chức mới.
Đại bản doanh Hoàng Đức bang đặt tại núi Qui Liên Sơn, Tây giáp Tượng Quận, Đông giáp Quế Lâm. Núi rừng Qui Liên Sơn hiểm trở. Nhưng đây là linh địa. Thường vào mỗi buổi sáng đẹp trời có phong cảnh hoa đồng cỏ nội phơi sắc gấm lộng lẫy, mây kéo về như những giải lụa bảy sắc cầu vồng rồi dệt vảy rồng trên bầu trời. Mây lành chiếu xuống hồ nước xanh đổi thay mầu sắc từng hồi, gió thổi nhẹ dồn sóng lao xao mặt nước lóe ánh sao rơi lấp lánh. Vùng linh địa này gồm nhưng cảnh thơ mộng như Hồng Lĩnh Nhật Xuất (mặt trời mọc trên đỉnh non Hồng), Hoàng Hoa Hào Khí ( hào khí mùa hoa vàng ).
Chỉ có một đêm, bầu đoàn Hoàng Đức Bang từ phía Bắc hồ Động Đình di chuyển về hướng Nam lập trạm dịch hoàn bị. Phùng Hưng phát động lần thứ hai lập trạm bí mật do Hoàng Đức Bang chỉ huy. Lữ Trường Gia dẫn một toán lập trạm dịch cửa biển Hổ-Môn thành Phiên Ngung. Trịnh Đình Thao dẫn một toán lập trạm cửa biển Nam Hải. Lê Trung Kha lập trạm tại phía đông Châu Giang, Mạc Thu Tá lập trạm cửa biển Long Biên. Hoàng Quốc Kỳ và em gái lập trang trại nam Tây Giang. Hoàng Đức phân năm cư trú mới thành một lực lượng liên hoàn hoạt động giao dịch bằng đường bộ và đường thủy. Còn Phùng Hưng quản thủ đại bản doanh Hoàng Đức Bang.
Huynh đệ Hoàng Đức Bang ước hẹn một tháng sau các nơi định cư hoàn tất. Họ mua ngay trong ngày được hai mươi ghe thuyền nhỏ lớn dành để di chuyển trên sông. Riêng về mặt đường biển thì họ dự trù mua hai thuyền bầu. Từ đây họ nêu sáng tôn chỉ giao dịch lương thiện, lấy nghĩa chiêu hiền đãi sĩ, anh hùng thù tạc, diệt bạo trừ gian; mọi hoạt động từ đây chỉ mục đích phù trợ công việc độc lập Nam Việt.
Nói về Hoàng Hạc, ông đã từng nghiên cứu tỉ mỉ chiến thuật lẩn chiếc lược cùng phương cách kinh doanh đường bộ và đường thủy. Ông am tường sự lợi ích của đường thủy. Ông để hết tâm trí vào sông ngoài nội địa Nam Việt, nhất là Trường Sa, Nam Hải, Tượng Quận, Quế Lâm, Giao Chỉ, Nhật Nam, Cửu Chân, Châu Nhai và Đam Nhỉ.
Ngày đúng hẹn, Phùng Hưng đến Phong Lưu Tửu Lầu trước thăm lão hiệp và chưởng môn, sau trình bày sinh hoạt canh tân của Hoàng Đức Bang.
Lần này Hoàng Hạc gặp lại huynh đệ Phùng Hưng, ông lấy làm vui mừng nói :
― Công việc như vậy tốt lắm, lão phu không ngờ bang chủ cùng các huynh đệ có óc tổ chức, có tài canh tân tinh nhuệ như thế. Mà này, xin bang chủ nhớ ngày mười lăm tháng chạp đến cửa biển Hổ-Môn, tại Phụng Tiên Lầu, lão phu sẽ chờ các hạ từ sáng đến trưa. Ngày mai lão phu sẽ nhờ người mang đến cho các hạ tất cả những bản đồ đường thủy nội địa Nam Việt.
Phùng Hưng ngó Hoàng Hạc một cách ngạc nhiên hỏi :
― Thưa lão hiệp, những bản đồ ấy hiện giờ có ở đây không ?
Hoàng Hạc khiêm tốn và ôn tồn :
― Các hạ an tâm. Hiện giờ tuy chúng ở trong trí của Lão phu chỉ cần vẽ ra là có tất cả.
Phùng Hưng một lần nữa ngạc nhiên hỏi tiếp :
― Vãn bối không ngờ trong trí của lão hiệp đã sẵn có nhiều kỳ mưu diệu lược, vãn bối xin vâng lời giáo huấn của người.
Hoàng Hạc khích lệ dịu dàng nói :
― Lão phu hy vọng các anh em được thành công mọi việc. Từ đây các anh em của các hạ bắt đầu đi vào ngã rẽ của cuộc đời, phải chu toàn trách nhiệm đối với dân chúng Bách Việt; chí khí nghĩa hiệp của các anh chị em vẫn là tinh thần của lão phu. Đáng hãnh diện lắm ! Bây giờ lão phu xin tạm biệt ở đây.
Hoàng Phi Bằng ở lại Phong Lưu Tửu Lầu để chờ đón các bác của mình. Hoàng Hạc thân hành đến thủ phủ Trường Sa thành Nhạc Dương thăm viếng Trường Sa Vương và những đại hiệp cố nhân, tri kỷ.
Hoàng Phi Bằng tiễn đưa nội tổ cho đến khi tiếng vó ngựa xa dần, không còn thấy hình bóng mới xoay lưng về. Cậu siêng chăm luyện nội công. Tay moi trong đảy sách của ông nội mình, những cuốn sách nói về tư tưởng kinh bang tế thế của người xưa như "Chiến Quốc Sách", "Lã Thị Xuân Thu", "Hán Thư" (của Ban Cố), "Kiêm Ái" (của Mặc Tử). Và có đêm, cậu tơ tưởng đến hai mỹ nhân mà cậu đã gặp tại Phong Lưu Tửu Lầu này. Năm nay, cậu chỉ mới mười lăm tuổi, song thể chất cậu sớm phát triển nên cậu cao lớn hơn bọn trai vào tuổi hoa niên đồng trang lứa với cậu. Hoàng Tố Nguyệt và Lý Lệ Nga cũng chỉ lớn hơn cậu sáu hoặc bảy tuổi là cùng. Cho nên nghĩ về họ, tâm thần cậu dao động, cảm giác ấm áp sưởi nóng trái tim cậu. Có đêm, cậu đọc bài "Cao Đường Phú" của Tống Ngọc, bài "Trường Môn Phú" của Tư Mã Tương Như, bài "Bạch Đầu Ngâm" của nữ sĩ Trác Văn Quân, rồi ngắm ngọn hàn đang trong phòng, vành tà nguyệt ngoài khung cửa sổ, hết đốt ngọn hồng lạp này sang ngọn hồng lạp khác cho tới khi trống điểm canh ba, lòng bâng khuâng man mác.
Một sáng nọ, Hoàng Phi Bằng xuống tiệm ăn, kêu một bình trà nóng, một dĩa bánh ướt nhân tôm để dùng điểm tâm trước khi đi dạo mát trên dặm liễu đường mai đưa về ngôi Ngọc Hoàng Bảo Điện.
Bỗng một gia đình đến Phong Lưu Tửu Lầu gồm hai vợ chồng ngoài năm mươi tuổi và cặp vợ chồng còn trẽ khoảng mươi chín tuổi cùng ba cô cậu choai choai gồm một trai hai gái trạc tuổi từ mười hai đến chín tuổi vào Phong Lưu Tửu Lầu xin thuê một phòng lớn để nghỉ tạm một ngày đêm. Người đàn ông trung niên có vẻ quắc thước, tóc hoa râm, râu dài đậm đuột, mặc y phục màu chàm đậm, khoác áo lông chim đỏ. Còn người đàn bà đứng tuổi kia có vẻ mạnh khỏe, hồng hào, vận y phục màu tím than, khoác ngự hàn màu nâu, tóc cài trâm bạc, cổ đeo xâu chuỗi hổ phách. Chàng thiếu niên vóc vạc thanh cảnh, dung mạo tuấn mỹ với da ngà, mắt phụng, môi tươi. Chàng vận bạch bào, đầu đi ngân quan có nạm viên toản thạch màu hồng, thắt lưng bằng lụa đỏ. Còn người thiếu phụ đi bên cạch chàng thập phần kiều diễm, vận y phục màu hồng đào, vai khoác áo lông cừu trắng, tóc cài kim thoa nạm trân châu, cổ đeo xâu chuỗi trân châu. Còn ba cô cậu choai choai hãy cỏn nhỏ, mặt mày đĩnh ngộ, đều vận y phục màu thiên thanh, tóc bới trái đào, khoác áo ngự hàn bằng da chồn lửa.
Tửu bảo hướng dẫn đến phòng bên cạnh Hoàng Phi Bằng. Nhân dịp này Hoàng Phi Bằng cũng ra tay giúp họ đem đồ đạc lên phòng, lúc đầu gia đình này tưởng Hoàng Phi Bằng là tiểu nhị của Phong Lưu Tửu Lầu, khi hiểu ra mới biết Hoàng Phi Bằng cũng là người đang ở trọ phòng kế bên. Cả gia đình họ cảm kích cách hành xử tương trợ của cậu, cảm ơn cậu.
Tửu bảo cũng đang đứng kế bên liền giới thiệu :
― Thưa quý vị khách quan, đây là thiếu hiệp Hoàng Phi Bằng, ở trọ tại đây được mấy hôm. Cậu nhã nhặn nên ai cũng mến và cậu còn cứu khốn phò nguy cho lê dân ở đây.
Lý Bình Trương đang đưa gia đình chạy trốn bọn truy sát, bảo vệ dóng dõi nhà họ Lý còn sót lại.
Hiện giờ địch thủ chưa xuất hiện. Mọi cử động nào chàng cũng cẩn thận trước, dè dặt đối với kẻ thù còn ẩn trong bóng tối. Tuy vậy, đứng trước cậu trai tuổi áng hoa niên này, chàng vẫn thản nhiên, tin rằng đây không phải là kẻ hắc đạo. Ông lão tự giới thiệu :
― Thế thì hay quá ! Tâm ý tương đồng, lão là Lý Bình Trương, đây là Triệu Anh Thư nương tử. Còn đây là thằng trưởng nam Lý Bình Trung anh cả của Lý Bình Tam, Lý Thư Phụng, Lý Thư Hồng. Còn đây là con dâu trưởng của lão tên Trần Kiều Oanh. Gia đình lão rất hân hạnh được biết người bạn trẻ. Theo nhãn quan của lão, người bạn trẻ đây có tư chất phi phàm, ắt sẽ có một hậu vận phi thường, một cuộc đời oanh liệt. Tiếc rằng lão không còn thời gian được tương hội lâu dài. Tuy vậy, gặp một lần cũng đã mãn nguyện lắm rồi.
Lý Bình Trung hiểu ý thân sinh, thi lễ nói :
― Hài nhi xin xuống lầu, sẽ gọi một ít rượu và thực đơn để nhâm nhi với thiếu hiệp, cũng gọi là lễ sơ kiến với một trang thiếu hiệp anh tuấn.
Triệu Anh Thư vừa gặp Hoàng Phi Bằng cũng có ít nhiều cảm tình, tự nhủ :
― Trượng phu ta từ hồi nào cho tới bây giờ chưa hề nhận xét bất cứ ai bằng hai tiếng "phi thường", nay lại gặp trang thiếu hiệp còn vị thành niên này lại dùng hai tiếng ấy. Đây chắc là mối linh cảm bén nhạy của Trương phu ta chăng ?
Hoàng Phi Bằng thấy cả gia đình cần ăn trưa, liền mời :
― Xin mời bá phụ, bá mẫu cùng hiền huynh, tẩu tẩu và các em xuống lầu ăn trưa cho vui !
Lý Bình Trương đang trên đường tản cư về quê ngoại để trốn kẻ thù, tiền bạc không dư giả mà ăn nhậu do một người mới quen thết đãi thì không mạnh miệng để kết thân nên do dự.
Hoàng Phi Bằng hiểu được ý nghĩ của Lý Bình Trương, ân cần mời mọc một lần nữa :
― Cháu xin bá phụ và bá mẫu cùng anh chị em không nên từ chối ? hình như các em gái có vẻ đói bụng rồi đó.
Triệu Anh Thư bảo chồng :
― Phu quân à, cung kính sao không bằng tuân lịnh. Xin chớ phụ lòng tiểu anh hùng.
Hoàng Phi Bằng gọi bạn tửu bảo :
― Xin cho bảy phần cơm trắng, canh chua cá Lý, ba đĩa thịt bò xào cải bẹ xanh, thêm ba dĩa hủ tíu xào hải sản, hai cân rượu Ngọc Quế Hương và một bình trà Vũ Di Sơn Kỳ Chưởng.
Sau buổi ăn trưa, Hoàng Phi Bằng mời Lý Bình Trung và Trần Kiều Oanh lên phòng mình để đàm đạo.
Lý Bình Trung cho biết :
― Thưa tiểu hiệp, ngôi nhà từ đường của chúng tôi ở Bạch Dương Hạng (ngõ hẽm có trồng cây bạch dương ) thuộc ngoại ô của thành Luy Lâu. Nhưng cụ thân sinh tôi vì tha phương cầu thực nên khi mới trưởng thành đến Nam Hải mở lò đúc binh khí và lập gia đình với mẫu thân tôi. Nhưng gần đây gặp vận rủi, nên phải cùng bầu đoàn thê tử khăn gói trở về Giao Châu để tránh tai nạn. Từ thuở mười ba tuổi, tôi được chưởng môn phái võ Lĩnh Nam truyền dạy chút ít võ nghệ để phòng thân. Về nội công, tôi vẫn còn non kém. Bù lại, tôi nghiên cứu về kiếm pháp, binh pháp và sở học kinh bang tế thế.
Trần Kiều Oanh nói :
― Tướng công tôi thích đọc hai cuốn "Tôn Ngô Binh Pháp" của Tôn Võ Tử và Ngô Khởi và cuốn "Lã Thị Xuân Thu" vào thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc.
Hoàng Phi Bằng dò ý :
― Tôi được biết Tướng Quốc Lã Bất Vi thời Chiến Quốc là kẻ tham lam mưu mẹo, nở đem vợ đang có thai của mình để lừa gạt gả cho công tử Tần Dị Nhân để sau này Tần công tử lên ngôi báu thì con mình sẽ được nối ngôi vua. Kẻ vì vinh hoa phú quý mà gian ngoa lươn lẹo dám đoạt ngôi thiên tử của họ Tần thì đâu phải là chính nhân quân tử.
Lý Bình Trung nói :
― Theo ngu ý, khi làm tới bậc Tướng Quốc, họ Lã chẳng những không tham nhũng, không tàn ác, lại còn mở rộng giao du để kết bạn với những tay danh sĩ. Cuốn "Lã Thị Xuân Thu" dù không phải do ông ta viết ra mà do sự kết hợp tư tưởng của Xuân Thân Quân nước Sở, Bình Nguyên Quân nước Triệu, Mẫn Tưởng Quân nước Tề và Tín Lăng Quân nước Ngụy. Xét về công tội, Lã Bất Vi chỉ đoạt ngôi họ Tần bằng đứa con của mình, tức là Tần Thỉ Hoàng sau này. Nhưng ông ta cũng gây nên công với giang sơn Trung Nguyên không phải nhỏ đâu. Cuốn "Lã Thị Xuân Thu" đóng góp cho văn hóa Hán tộc biết bao là tư tưởng quý báu về sách lược kinh bang tế thế, về văn hóa v.v...
Trần Kiều Oanh nói :
― Dân Bách Việt chúng ta không nên câu nệ tiểu tiết mà bỏ rơi đại cuộc. Nhất là học vấn cốt để gồm thu mọi tư tưởng biến hóa thành học vấn của mình.
Giang sơn nầy đâu phải của riêng ai. Chúng ta nên bắt chước cái hay cái đẹp của cổ nhân. Nhưng chúng ta phải gìn giữ cái tinh túy của tập tục Bách Việt.
Nàng nhìn đăm đăm Hoàng Phi Bằng hỏi tiếp:– Không hiểu thiếu hiệp nghĩ sao ? Ngay trong việc ẩm thực, tôi cho rằng các món ăn người Hán nhiều dầu mỡ, làm sự tiêu hóa thực khách khó khăn. Trong khi đó, các món ăn của dân Nam Việt chúng ta rất thanh tao, rất điều độ vì có nhiều thứ rau ăn sống lẫn rau nấu canh rất nhuận trường. Còn dân Hán thì cứ ăn cải ngọt, bầu, bí, mướp và rau câu kỷ làm món canh thôi, chẳng biết nhiều tới các canh rau đay, rau giền, rau ngót, canh khoai sọ, khoai mỡ, khoai môn. Ngoài ra họ đâu biết rau húng, rau diếp cùng các rau hoang dại khác với mùi vị tuyệt vời dành để ăn sống, dùng để làm gỏi cá, làm nộm, nói chung thảo mộc nào ăn đươc gọi là rau, không ăn được gọi là cỏ. Người đàn bà quý tộc người Hán lại bắt chước nàng Triệu Phi Yến bó chân nên sự đi lại của họ quá khó khăn bất tiện trong khi phụ nữ Nam Việt chúng ta vì không theo tục bó chân nên họ có hai bàn chân lành mạnh, ngón chân không méo mó tật nguyền, sự di chuyển dễ dàng và mau lẹ.
Lý Bình Trung cười nói :
― Xứ Giao Châu, nhứt là ở quê tôi có nhiều cây mật hương, thớ vỏ thơm ngọt như mùi mật ong, tôi nghe đồn dân Nam Việt ta thử làm giấy. Tôi ao ước về quê song song với nghề làm đao đúc kiếm, tôi sẽ thử làm giấy mật hương xem sao. Lại nữa quê tôi có nhiều gỗ bạch đàn hương, làm nhang rất thơm rất ngát. Tôi ước ao về đó dùng thứ gỗ ấy làm phấn vẽ mày cho các cô gái thay thế loại đại ngọc mắc tiền.
Hoàng Phi Bằng rót trà cho vợ chồng Lý Bình Trung, thầm ao ước:– Cặp vợ chồng này chẳng những đẹp đôi mà còn có kiến thức nữa. Ta phải tìm cách kết bạn với họ.
Xế xế, trước khi dùng cơm tối, Hoàng Phi Bằng mời cả gia đình họ thưởng thức bánh Cốm Đệm Chả Chim Ngói vốn là món thời trân nổi tiếng vùng châu thổ Giao Châu. Cậu nhờ nhà bếp pha cho mình một bình trà đặc sản Đồng Tương.
Lý Bình Trương thấy cũng lạ người bạn trẻ này biết sản phẩm Cốm Đệm Chả Chim Ngói của châu thổ Giao Châu, ông đem lòng cảm phục, rồi hỏi về nguyên nhân đến đây :
― Hiền điệc từ nơi nào đến đây ? Tạm trú ở đây đã bao lâu rồi ?
Hoàng Phi Bằng thực thà đáp :
― Thưa bá phụ, cháu đến từ Giang Tô đi một vòng Giang Nam rồi đến Động Đình hồ này, tạm trú ở đây đã vài hôm. Có thể ngày mai theo dòng nước xuôi nam về thành Phiên Ngung tham dự đại hội.
Lý Bình Trung "ồ" lên một tiếng :
― Tiếc quá, tiếc quá ! Vì bận việc nhà, tai hạ không thể tham dự được. Vậy thiếu hiệp có thật lòng muốn tham dự không ?
Hoàng Phi Bằng cười thật tươi :
― Thưa hiền huynh, nếu nay mai các bác của tiểu đệ từ khắp nơi tụ ở đây thì tiểu đệ mới có thể đi Phiên Ngung được.
Lý Bình Trung vội nói :
― Tại hạ tiếc lắm. Ngàn năm một thuở thành Phiên Ngung mới có dịp đại hội anh hùng Bách Việt, thế mà tôi phải về quê.
Chàng thở dài thất vọng. Hoàng Phi Bằng động lòng nói :
― Thưa hiền huynh, về quê rồi trở lại thành Phiên Ngung tham dự cũng chưa muộn, vì còn vài tháng nữa hội mới khai mạc kia mà.
― Đúng vậy, nhưng tại hạ có nhiều việc phải làm như sửa sang gia đường, canh cải ruộng nương, châm bón vườn tược, sắp đặt lại cách sống đâu đó cho ngăn nắp. Còn việc chạy cơm áo cho cả gia đình nữa. Tôi hy vọng gặp lại thiếu hiệp lần thứ hai; khi ấy nhờ người thuật lại diễn biến đại hội này cho tôi nghe nhé ! Hôm nay tôi gặp người bạn trẻ tốt trong hoàn cảnh tình cờ. Thời gian thì có hạn, nên tôi thay mặt cùng gia đình xin phép trở gót về phòng.
Tới giờ mùi, trời tối mịt. Tửu Lầu thắp đèn sáng trưng. Sáu người trong gia đình họ Lý đi xuống lầu để dùng cơm. Lý Bình Trung đi ngang qua phòng Hoàng Phi Bằng, mời cậu cùng gia đình mình cùng dùng cơm tối.
Hoàng Phi Bằng nói :
― Đa tạ hiền huynh, tiểu đệ hãy còn no lắm. Xin cả nhà cứ tự nhiên.
Trong khi vợ chồng Lý Bình Trương và ba đứa con nhỏ đã xuống lầu và chọn bàn ăn ở phía trái cánh cửa sổ phòng trọ của Hoàng Phi Bằng chừng bảy thước thì vợ chồng Lý Bình Trung hãy còn thu xếp một vài vật dụng trong phòng. Khi chàng cùng vợ vừa tới đầu cầu thang thì bỗng dưng có một luồng gió từ trên mái nhà thổi thốc xuống. Lúc đó Hoàng Phi Bằng cũng từ phòng mình bước ra. Cậu biết ngay rằng đây chắc chắn có kẻ phi thân để giở trò sát thủ hay trộm cướp. Tuy không thấy hình dạng đương sự, nhưng cậu biết đó là một cao thủ lạ mặt. Hoàng Phi Bằng vội nép mình ngó qua khe cửa sổ, thấy người mặc áo nâu, chít khăn nâu che kín đầu và mặt, chỉ còn chừa đôi mắt. Kẻ lạ mặt phi thân thật nhanh đứng trên bàn cơm của gia đình Lý Bình Trương tay cầm kiếm xuất liên hoàn chiêu kỳ lạ, hắn vung kiếm sát hại mẫu thân cùng các em của Lý Bình Trung. Bốn thủ cấp rơi lăn lóc trên nền gạch. Riêng thân phụ Lý Bình Trung trên tay vẫn cầm đôi đũa, tay cầm bình trà để đối chọi với lưỡi kiếm của tên sát thủ.
Hoàng Phi Bằng lanh lẹ gọi Lý Bình Trung :
― Đại huynh cẩn thận có thích khách !
Lý Bình Trung vừa trông thấy mẫu thân, các em đã bị người bịt mặt sát hại, muốn la lên mà miệng không thốt thành lời. Chàng muốn phi thân xuống lầu mà chân vẫn đóng như đinh tại chỗ, nước mắt cứ chảy như suối làm mờ đôi mắt, thân thể yếu như người mắc phải bệnh bại liệt, miệng ú ớ như kẻ nằm thấy ác mộng; Hoàng Phi Bằng trên tay đang cầm chung trà, vận hết nội lực đã học được nơi tổ phụ, phóng Bạch Thiết Châm trúng sau gáy phía cổ trái của thích khách, máu hắn tuôn xối xả xuống đất, cũng là lúc thủ cấp của Lý Bình Trương rời khỏi thân thể. Tên áo nâu, bịt mặt ngó lên lầu thấy năm sáu phòng mở cửa sổ, không biết chung trà từ đâu phóng ra, rồi phi thân mất dạng. Cuộc diễn biến quá đột ngột, thực khách quan trong Phong Lưu Tửu Lầu, cả Hoàng Phi Bằng cùng vợ chồng Lý Bình Trung cũng không kịp phản ứng; sự việc thảm thương làm mọi người đều phẩn nộ, xót xa cho năm người vắn số. Không ai biết nguyên do cuộc thảm sát như thế nào ? Trần Kiều Oanh té xỉu, còn Lý Bình Trung vì hoàn cảnh thê thảm xúc động quá mạnh mất hết ý chí, cho nên không phản ứng được gì, chân chưa bước được ra đến bực cửa lầu, thì người áo nâu đã biến mất.
Hoàng Phi Bằng, Lý Bình Trung vội xuống lầu, thấy cảnh vợ chồng Lý Bình Trương và ba đứa em cùng chết bởi một thức kiếm như nhau. Lý Bình Trung không còn suy nghĩ được cách nào để làm tang sự cho thân nhân vì chàng không đủ tiền mua sắm quan tài cho họ để đem về quê quán cũng như không biết đem năm thi hài an táng nơi ở thị trấn này cho tiện ?
Hoàng Phi Bằng thấy mọi người bối rối, bảo Lý Bình Trung :
― Tiểu đệ xin cùng hiền huynh và tẩu tẩu lo tang sự trước đã. Hiền huynh chớ lo lắng thái quá.
Hoàng Phi Bằng lấy ra năm mươi lạng bạc nhờ ông chủ Phong Lưu Tửu Lầu cùng mười tửu bảo, đứng ra làm lễ an táng.
Lý Bình Trung suy nghĩ một hồi lâu rồi nói :
― Tang sự cho tiện nhất là hỏa táng theo tục lệ xứ Tây Trúc.
Hoàng Phi Bằng thấy hơi lạ hỏi :
― Tại sao phải hỏa táng ? Người Nam Việt chúng ta chỉ biết thờ cúng tổ tiên thôi. Làm ma chay theo Khổng, nếu hỏa táng coi bộ bất tiện lắm đó.
Người chủ tửu lầu am tường và hiểu ý của khách, liền bảo :
― Ở Đào Hoa Thôn gần đây có Lý Vân Đình tiên sinh có chân trong Tam Thanh Hội mà cơ sở của hội là Ngọc Hoàng Bảo Điện. Lý tiên sinh là cha của cô Lý Lệ Nga, Lý cô nương là học trò của Hồ Đình Thăng điện chủ. Chúng ta nên nhờ Lý tiên sinh xin phép điện chủ dành cho một khoảnh đất để an táng Lý tiền bối cùng phu nhân, đệ nhị công tử và hai tiểu thư.
Hoàng Phi Bằng hỏi lại :
― Lý Vân Đình là ai vậy ?
Chủ Tửu Lầu nói :
― Nhân vật này có tài học uyên bác không chịu đi thi để đỗ đạt làm quan. Ông ta thọ giáo một vị tăng ở nước Khương bên Tây Trúc giáo lý nhà Phật nên quyết làm cư sĩ, nghĩa là kẻ tu tại gia. Ông ta dùng cây mật hương chế được thứ giấy vừa trắng nõn như cánh cò vừa thơm như mật lại có vân màu gỗ tươi rất đẹp.
Nói xong, ông ta sai một tên tửu bảo mặt mày sáng sủa, tuổi cỡ Hoàng Phi Bằng đến Đào Hoa Thôn. Chừng nửa canh giờ sau cha con học sĩ Lý Vân Đình tới. Học sĩ tuổi ngoài năm mươi, thần thái phiêu hốt, tóc điểm hoa râm, mặc bạch bào, thắt lưng lụa tía, mang giày nhung đen thêu mặt hổ phù bằng kim tuyến. Còn Lý Lệ Nga thay y phục mới bằng áo cẩm sa màu trắng, quần lụa thiên thanh, lưng thắt ngọc thạch đái, tóc giắt ngọc trâm ở mép tóc và cài kim thoa trên đầu, tai đeo hoa tai kết trân châu, cổ đeo kiềng vàng.
Chủ Tửu Lầu ngõ lời với Lý Bình Trung :
― Tôi sẽ trích ra hai lạng bạc lo việc ma chay và bốn lạng bạc dành cho Ngọc Hoàng Bảo Điện lo việc nhang khói cho vong linh chư vị bị thảm sát.
Lý Vân Đình xin xuất ra thêm ba lạng bạc để mua sắm linh cửu bằng gỗ huỳnh đàn chớ không nên mua quan tài bằng gỗ tạp xấu xí. Lý Lệ Nga giúp Trần Kiều Oanh may tang phục cho Lý Bình Trung và cho cả Trần Kiều Oanh. Các linh cửu được quàng tại Đông lang của Ngọc Hoàng Bảo Điện hai ngày trước khi an táng. Có rất nhiều thương gia và các hào phú cùng các người hảo tâm đến phúng điếu. Cho nên sau khi việc mở cửa mả hoàn tất, vợ chồng Lý Bình Trung có tới trên một trăm lạng bạc có thể về quê trang trải cuộc sống mới. Luôn tiện Lý Lệ Nga may cho Trần Kiều Oanh chiếc áo lụa đỏ, cổ tròn và có cái thắt lưng bằng nhiễu xanh. Chiếc cổ trổ ra hàng nút lụa vàng thắt hình cánh dơi, còn thắt lưng có thắt hình cánh bướm.
Lý Bình Trung bảo Hoàng Phi Bằng :
― Khi nào tại hạ tìm được hung thủ thì mới cải táng chưa muộn. Nói đến đây chàng òa lên khóc. Hoàng Phi Bằng thấy hoàn cảnh như vậy, đề nghị :
― Chúng ta khoan tính việc phục thù. Kẻ sát thủ không phải là kẻ võ nghệ tầm thường đâu. Hiền huynh cần phải tầm sư học võ nghệ thêm. Sau khi thành tài thì mới tìm hung thủ cũng chưa muộn. Theo tiểu đệ thấy, hung thủ là nhân vật võ học cao thâm, vô lường.
Con người này rất nguy hiểm, cho nên hiền huynh phải cẩn thận, đệ thấy hung thủ này mặc áo nâu, chít khăn nâu che kín đầu và mặt, chỉ là ám hiệu một đảng nào đó. Có lẽ hung thủ này tóc không nhiều, cho nên chít khăn che kín đầu. Nhưng tại sao hắn phải chít khăn mặt, tức hắn không phải là người lạ với gia đình hiền huynh. Hiện nay khó mà tìm ra hắn, tuy vậy hắn không thể nào qua khỏi lưới trời.
Tinh thần Lý Bình Trung đã bình tĩnh, chàng nói :
― Tôi thấy gia gia tôi dùng đôi đũa như đoản kiếm, đâm vào cánh tay trái để cắt đứt gân của hung thủ, đây là chiêu Đả Đoản Kiếm như vậy cánh tay trái này chắc chắn đã bị liệt, không còn sử dụng đao kiếm được. Trước sau gì tôi cũng tìm được hung thủ qua thương tích cánh tay trái.
Hoàng Phi Bằng liền hỏi :
― Hiền huynh có thấy được một phần chiêu số và thức kiếm của hung thủ không ?
― Lúc ấy tại hạ không còn tâm trí nào để ý chiêu kiếm kỳ lạ ấy ! Có thấy mà không được rõ lắm, hy vọng thiếu hiệp nếu thấy điều gì, xin chỉ giáo tại hạ :
Hoàng Phi Bằng thấy những chiêu số là đã in vào trí nhớ đáp :
― Ngu đệ chú ý tất cả những chiêu kiếm của hung thủ, như vậy đệ xin xuất chiêu để thử nghiệm, nhằm sau này để huynh tìm ra hung thủ. Xin huynh chú ý nhé ! Bây giờ đệ xuất chiêu chậm chạp hai lần, khi đến lần thứ ba thì đệ xuất chiêu thức thật nhanh, nhân dịp này hiền huynh cũng luyện tập để biết võ học của hung thủ mà mình muốn tìm ! Bắt đầu, đệ xuất chiêu lần thứ nhất đến lần thứ ba.
Hoàng Phi Bằng rút gươm ra đi vài chiêu thức. Lưỡi kiếm vung loang loáng như ánh tuyết che phủ toàn thân. Tiếng kiếm rít như gió. Cách xoay trở của cậu cực kỳ uyển chuyển như rồng lượn trên mây, như cá vẫy vùng trong nước. Xong, cậu tra kiếm vào vỏ, rồi nói tiếp:– Ngu đệ chỉ biết liên hoàn kiếm này mà không biết chiêu số của nó.
Lý Bình Trung tuy đang buồn cảnh tang gia, nhưng lại ngạc nhiên một cách thích thú. Chàng không ngờ Hoàng Phi Bằng thông minh về võ học nên nghĩ thầm:– Chỉ cần tìm ra hai yếu tố chính như là thương tích cánh tay trái cùng kiếm pháp là phát hiện được hung thủ ngay. Quả nhiên Hoàng Phi Bằng thực lòng muốn giúp ta trả mối thù này. Trong lúc ta đau khổ, lại có quí nhân đến phù trợ, như người đời có nói "Bể khổ mênh mông rồi cũng có lúc vào bờ".
Lý Bình Trung cảm khái nói :
― Ta sẽ tìm được hung thủ. Kẻ thù kia không thể nào cao bay xa chạy.
Hoàng Phi Bằng phân tích tiếp võ học để cho Lý Bình Trung tiếp thu kiến thức :
― Hiện giờ tuy hiền huynh đã hiểu hết những chiêu thức của hung thủ, nhưng không thể sử dụng được vì có những bí ẩn của nó ở bên trong. Để tránh hiểu lầm hung thủ, đệ tự sáng tạo ra một thức kiếm mới để hướng dẫn hiền huynh. Theo kiếm pháp của họ Hoàng, chiêu thức thứ nhất là Thần Nhơn Đã Ngưu xuất từ chậm ra nhanh gồm tám chiêu kiếm, dung hợp vào kiếm pháp thứ ba mươi sáu của hung thủ.
Chiêu thứ hai Long Hổ Thần Kiếm xuất dương thu về âm gồm bốn đường kiếm, dung hợp theo kiếm pháp thứ ba mươi lăm của hung thủ.
Chiêu thứ ba Vong Hồn Thần Kiếm xuất hư chiêu là thực gồm năm đường kiếm, dung hợp theo kiếm pháp thứ ba mươi bốn của hung thủ .
Chiêu thứ tư Đoạt Mệnh Thần Kiếm xuất chiêu chẻ ngang, chẻ dọc gồm chín đường kiếm, dung hợp theo kiếm pháp thứ ba mươi ba của hung thủ.
Những thế kiếm pháp này biến hoá bao nhiêu chiêu tùy theo ý của mình, hiền huynh sử dụng những chiêu thức này, nếu gặp phải địch thủ chúng hóa thành khắc tinh, như vậy địch thủ không biết đâu là chiêu pháp thực hư.
Sau khi ma chay xong, hiền huynh tập lại cho thật kỹ. Không nên đòi công đạo vào lúc này vì lai lịch kẻ thù không phải đơn giản đâu. Muốn báo thù cho gia đình phải tìm đích thực hung thủ.
Hoàng Phi Bằng thấy Lý Bình Trung lo lắng, hiểu được ý nói :
― Thế thì hiền huynh có những dự phòng nào chưa ?
Lý Bình Trung vừa trải qua những bối rối nói :
― Hiện giờ đầu óc tại hạ trống không, ngu huynh chưa biết phải đi về đâu ! Còn tương lai thì vô định !
Hoàng Phi Bằng đề nghị :
― Tiểu đệ xin kết kim bằng với hiền huynh được không ?
Lý Bình Trung khi nghe tiếng kết nghĩa, tuy đang thống khổ lại hoá ra vui mừng. Chàng suy nghĩ:– Mình đang gặp cơn tai biến trong gia đình đến bước đường cùng, nếu mình được kết nghĩa với Hoàng Phi Bằng thì chẳng khác nào sắp chết lại được người cứu sống. Chàng hớn hở đáp:
― Thật là cái may mắn nhất trong đời của tại hạ.
Đột nhiên một tửu bảo từ ngoài cửa chạy vào phòng, giới thiệu tiểu đệ họ Trịnh tên Trường. Hoàng Phi Bằng cũng vội vàng chắp tay xá xá để đáp lễ. Hoàng Phi Bằng hỏi :
― Trịnh hiền đệ, sao lại bỏ Kinh Châu về đây ?
Trịnh Trường đáp :
― Đệ đến đây để cúng lễ tiết Thanh Minh và để tảo mộ cho ngoại tổ của em tức là nhạc phụ của học giả Lý Vân Đình.
Trần Kiều Oanh hỏi :
― Như vậy Lý tiên sinh là bác rể của cậu đệ, có phải không ?
Trịnh Trường gật đầu đáp :
― Đúng vậy, tỷ Lý Lệ Nga là biểu tỷ của đệ.
Dù mặc y phục tiểu nhị màu thạch thanh, đầu vấn khăn đen, nhưng dung mạo Trịnh Trường rất khôi ngô, vóc vạc cậu sớm nẩy nở cân đối và vạm vỡ. Lưng cậu không vấn khăn mà lại mang chiếc nịt da trăn, có đính bao kiếm bằng da ráy cá. Nghe Hoàng Phi Bằng thuật lại chuyện Lý Bình Trung, cậu cũng xin kết nghĩa Đào Viên với họ Lý.
Hoàng Phi Bằng giải thích trước khi phân định huynh đệ :
― Trước khi kết nghĩa Đào Viên, hai huynh đệ phải hiểu ít nhiều về đặc tục tộc Việt như cắt tóc, lấy máu uống thề, xâm mình làm hiệu, đi đường thủy lấy thuyền làm xe, lấy chèo làm ngựa, đến thì như gió thoảng, đi thì khó đuổi theo, võ học bản nguyên nhân nghĩa, quí hiền huynh và nghĩa đệ thấy thế nào ?
Trịnh Trường thông minh lanh lợi, vốn sống đã trải qua trong lớp áo tửu bảo, nhưng chưa hề nghe ai nói về đặc tục tộc Việt, cho nên lúc này cậu mới biết được ý nghĩa việc kết bạn đồng sanh tử, cậu thán phục Hoàng Phi Bằng như một ân công chỉ lối đường về.
Hoàng Phi Bằng nói tiếp:– Đúng thế phải thực hiện những đặc tục của tộc Việt, đó là căn bản không thể thiếu được trong lúc này, hãy phân định theo tuổi tác huynh đệ.
Hoàng Phi Bằng nhờ chủ quán lập bàn hương án, thắp nhang Ngọc Liên Hương, và đốt cặp đèn pha lê. Cậu cùng Lý Bình Trung, Trần Kiều Oanh và Trịnh Trường quì xuống, trích máu vào rượu thề đất trời chứng giám cho cả bốn, lúc sống khác giờ, khác ngày, khác tháng, khác năm thì nguyện xin khi chết cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm. Vợ chồng Lý Bình Trung lớn hơn Hoàng Phi Bằng bốn tuổi làm anh cả, Hoàng Phi Bằng làm nhị đệ, còn Trịnh Trường nhỏ tuổi nhất thì làm tam đệ. Cả bốn cùng lạy Hoàng thiên hậu thổ. Xong, Hoàng Phi Bằng mời Trần Kiều Oanh để cho mình cùng Trịnh Trường làm lễ tương kiến. Cả hai lạy nàng bốn lạy và gọi nàng là tẩu tẩu, nàng chắp tay xá xá đáp lễ và gọi hai cậu là nhị thúc thúc và tam thúc thúc.
Lý Bình Trung xin về phòng lấy thanh Thái Danh Kiếm gia bảo, nhưng tìm hoài mà không thấy, trong lòng bồi hồi, tự nghĩ ta đã mất cả nhà, lại còn mất kiếm, vậy từ đây xem như ta không còn thấy mặt gia gia rồi, quả là kẻ hung thủ quá tàn nhẫn, may mà "Thái Danh Kiếm Phổ" còn ở trong chiếc rương bọc da bò của mình. Lúc này Lý Bình Trung uất hận, thét lên ba tiếng thật to làm Hoàng Phi Bằng ở phòng bên cạnh không biết chuyện gì xảy ra cho nghĩa huynh của mình ? Lý Bình Trung ra khỏi phòng để tìm gặp Hoàng Phi Bằng và Trịnh Trường, cùng lúc Trịnh Trương cũng trở lại bàn ăn ở tầng trệt.
Hoàng Phi Bằng vội hỏi :
― Vì sao mà Lý đại huynh mắt còn ngấn lệ, còn Trương tam đệ thì hớn hở vậy ?
Trịnh Trường trả lời :
― Thưa đại huynh, đệ vừa đến tìm ông chủ để vấn an. Ông ta cho em bảy lạng bạc nữa, ông nói khi nào cần tiền thì cho ông biết.
Hoàng Phi Bằng thấy khác lạ hỏi :
― Ông chủ tốt với tam đệ như vậy là có nguyên nhân.
Trịnh Trường không dám vui mừng vì thấy Lý Bình Trung hãy còn sầu thảm, trả lời :
― Thưa nhị huynh, ông chủ chính là thúc phụ của tiểu đệ, từ ngày gia đình tiểu đệ lâm cơn đại nạn, cùng một lúc cả thảy bảy người, lúc ấy tiểu đệ mới sinh ra được hai ngày, nằm ngủ trong chăn cho nên hung thủ không phát giác ra được. Thúc phụ mới đem đệ về nuôi, nhờ thế mà đệ sống được đến ngày nay. Thúc phụ hiểu được lý do đệ phải tạm biệt, còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "Trên đường hành hiệp bôn ba, cháu phải cẩn thận vì giang hồ hiểm ác, kẻ hắc đạo dẫy đầy". Ngoài ra thúc phụ còn nói: "Điệc nhi à ! Khi nào cháu có võ nghệ siêu quần thì thúc phụ sẽ cho biết hung thủ đã giết cả gia đình hài nhi là ai ? Còn bây giờ thì không tiện".
Hoàng Phi Bằng ngó lại hỏi Lý Bình Trung :
― Còn Lý đại huynh tình trạng như thế nào mà khóc lóc như thế ?
― Gia tài của ngu huynh chỉ còn lại cây Thái Danh Kiếm, thế mà đã bị kẻ cắp mất rồi ! Không khác nào người đời có câu: "Kiếm đao còn là người còn, kiếm đao mất là người mất". Cũng còn may ngu huynh đang luyện tập kiếm, cho nên Thái Danh Kiếm Phổ hãy còn ! Tuy ngu huynh mất kiếm mà vẫn còn cán kiếm.
Trịnh Trường vội hỏi :
― Thì ra gia gia của tiểu đệ có cây Thượng Danh Kiếm, như vậy nó có sự liên hệ gì với cây Thái Danh Kiếm không ? Ở cây kiếm hoặc chung quanh cây kiếm ấy có điều bí mật gì không ?
Lý Bình Trung ngạc nhiên đáp :
― Ngu huynh có nghe gia gia kể lại rằng từ thuở thiếu niên có ba người cùng ở huyện Giao Đỉnh thuộc Quế Lâm, kết nghĩa huynh đệ, học cùng chung một sư phụ. Khi sư phụ họ qua đời, ông có tặng cho mỗi đệ tử một cây kiếm, mỗi cây kiếm có tên tuổi khác nhau và chiêu thức. Cũng vậy, tên của ba cây kiếm tức nhiên là phải khác nhau. Đó là Ngọc Danh Kiếm, Thái Danh Kiếm và Thượng Danh Kiếm gọi chung là Tam Danh Bảo Kiếm. Đại đệ tử của ông tiếp nhận Ngọc Danh Kiếm, nhị Đệ tử tiếp nhận Thượng Danh Kiếm, còn gia gia tiểu đệ tiếp nhận được cây Thái Danh Kiếm. Tam huynh đệ này rất thương nhau, họ sống thanh bạch đúng nghĩa với chí khí hào hiệp. Đến một ngày kia cả gia đình Thượng Danh Kiếm qua đời mà không ai biết nguyên nhân. Gia gia của ngu huynh không còn tha thiết gì với cuộc đời bon chen nữa, nên hạ lạc về miền thôn dã để sống ẩn, cho đến ngày nay thì bị nạn cả nhà tại nơi đây.
Bây giờ Trịnh Trường mới hiểu được mối liên hệ giữa mình với Lý Bình Trung nói :
― Này Lý đại huynh, Trời cao có mắt, huynh đệ chúng ta không hẹn mà gặp, đây mới gọi là trái đất tuy to mà nhỏ, đệ đây chính là truyền nhân Thượng Danh Kiếm đây. Gia gia của em là Trịnh Bảo.
Lý Bình Trung vui mừng hai tay gạt nước mắt nói :
― Đúng rồi chính nghiêm phụ hiền đệ là sư huynh của gia gia ngu huynh đó ! Như vậy em còn giữ cây Thượng Danh Kiếm không ? Chuyện này quan trọng vì trên chuôi kiếm có "Thượng Danh Kiếm Phổ".
Trịnh Trường hai tay run run, tự trách mình có kiếm mà không biết sử dụng, quả là người mù đứng trước phong cảnh rực ánh thái dương, may mà hôm nay gặp được Lý đại huynh của mình nên mới rõ chuyện ! Trịnh Trường mở túi vải đựng kiếm, rồi lấy vỏ kiếm ra, Lý Bình Trung mừng quá nói liền :
― Tam đệ ơi ! Đúng rồi, vỏ kiếm màu vàng thì chuôi kiếm cũng màu vàng, trên sống kiếm còn ghi Thượng Danh Kiếm đặc biệt giấy của kiếm phổ cũng màu vàng. Tam đệ hãy vặn nắp dưới chuôi kiếm xem quyển kiếm phổ có còn không ?
Trịnh Trường tay càng run mạnh hơn, cho nên vặn chuôi kiếm rất là chậm chạp, lại nữa kiếm để trong bao lâu ngày răng của đường nắp đã khô cho nên khó mở. Nhưng rồi cuối cùng cậu mở ra cũng được, đúng là "Thượng Danh Kiếm Phổ" còn nguyên. Cậu thở dài nhẹ nhõm cảm nhận được tình huynh đệ đã hiểu thấu tâm can. Từ nay Trịnh Trường ra sức luyện tập "Thượng Danh Kiếm". Còn Lý Bình Trung tiếp thục luyện tập "Thái Danh Kiếm Pháp".
Hoàng Phi Bằng thầm đoán biết việc đi tìm hung thủ sẽ không khó nói :
― Hiện nay kẻ thù của chúng ta còn ở trong bóng tối, cho nên xin phải cẩn thận. Thứ nhất, thanh Thượng Danh Kiếm nên gửi lại nhà, chỉ đem theo quyển kiếm phổ mà thôi. Thứ hai, tam đệ hãy thưa với thúc phụ, nhờ chạm bài vị cho năm kẻ khuất núi, vài năm sau đại huynh sẽ trở lại thỉnh hài cốt cùng bài vị về nơi cư ngụ mới. Thứ ba, bí mật luyện tập Thượng Danh Kiếm và Thái Danh Kiếm tuyệt đối không nên động thủ hai thứ kiếm pháp này với bất cứ ai, có như thế mới bảo mật được. Riêng thanh Ngọc Danh Kiếm, đại huynh và tam đệ phải cẩn thận không nên tìm dấu vết của nó trong lúc này, hãy đợi tới khi nào cả hai học võ thành công.
Hoàng Phi Bằng lấy ra sáu lạng vàng tặng Trịnh Trường, Trần Kiều Oanh và Lý Bình Trung. Cả ba không muốn tiếp nhận. Hoàng Phi Bằng nói :
― Đây là lễ sơ giao mà. Còn hai lá thư này mới là quan trọng. Thư thứ nhất giới thiệu Lý huynh, Trần tỷ và Trịnh đệ, đến địa chỉ cư ngụ để học văn, luyện nội công cùng luyện hai bộ kiếm pháp "Tuyệt Cao Kỳ Kiếm" và "Phong Tâm Kiếm". Thư thứ hai ngoài bao đề: Người nhận Phùng Hưng, người gửi Hoàng Phi Bằng. Mời Trịnh đệ, Lý huynh đọc lại hai lá thư trước khi lên đường. Khi đến nơi, xin nhờ người báo tin cho tôi biết. Ba người hãy ở đó cho đến khi tôi trở về để cùng huynh, tỷ, đệ tái ngộ.
Lý Bình Trung, Trần Kiều Oanh và Trịnh Trường mắt ứa lệ. Cả bốn ôm nhau thật chặt, chúc nhau thượng lộ bình an trước khi từ giã.
Về Trần Kiều Oanh thì ít nói, nhưng nàng có một trí nhớ rất là tốt, tất cả sự biết đều để trong lòng, như thấy hình ảnh người thích khách áo nâu, giọng nói của huynh đệ kết nghĩa với chồng nàng và cả mùi thơm đều nớ, nhờ những ưu điểm này nàng sẽ trợ lực cho Lý Bình Trung thành danh .
Lý Bình Trung, Trần Kiều Oanh, Trịnh Trường, xuống lầu. Trinh Trường vào phòng riêng cúi đầu lạy thúc phụ xin tạm biệt, hẹn ngày về nhận lại cây kiếm. Còn Lý Bình Trung cùng vợ tạ ơn ông chủ Phong Lưu Tửu Lầu, lạy hai lạy và xin ông xem vợ chồng mình như Trịnh Trường, rồi gọi ông bằng nghĩa thúc phụ, và nhờ ông chăm sóc năm nấm mộ phần, còn tất cả vật dụng của gia đình chàng xin tặng cho những ai cần dùng. Cả ba người trên vai mang theo vật dụng cá nhân, cưỡi ngựa ra đi. Gió xuân phơi phới làm cho hoa đào rụng lấm tấm, cành liễu đong đưa. Tiếng hát của Trần Kiều Oanh vang lộng dài theo dặm đường trường:
Vung kiếm rửa thù trên cõi Bắc
Rồi về cư ngụ đất phương Nam
Nơi đây nắng ấm tràn muôn lối
Rực rỡ sông Hồng, đẹp núi Lam.
Chương 3
Thép Máu Đào, Hun Lửa Nóng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét