Anh Hùng Nam Việt - Chương Sáu ( Huỳnh Tâm )

Cảnh Trần Mây Gió Xuyên Vân Rồng

Vũ Thư Minh lại một lần nữa ngạc nhiên thầm :– đúng là mình đang đứng trước danh môn chi hậu, chỉ một thiếu niên mà đã có kiến thức hơn người, liền xoay mặt hướng về phía Hoàng Hạc chấp tay :
― Thưa á phụ, quý đại huynh, thực ra trong lòng ngu đệ đã có ý định theo á phụ về đây, nhằm ra mắt sư phụ thất Hoàng Đức, chứ không có ý gì khác, đúng là trời cao không cho ai toại nguyện, nào có ngờ kết nghĩa cùng nhị đại huynh, thôi thì đành vậy từ nay không còn tứ cố vô thân, đã là một nhà ở cương vị nào mình biết dụng thì nó đúng lễ gia, miễn sao đừng ở trái đạo là được phúc nhà.

Nói đến đây trong suy nghĩa Vũ Thư Minh mến phục họ Hoàng:– Dù lớn hay nhỏ cũng có khả năng làm sư phụ của thiên hạ, Hoàng Phi Bằng từng ấy tuổi mà đã cải hóa được kẻ cướp, kể ra hơn ta nhiều, còn am tường nhất cử, nhất động của ta, thì không phải là nhân vật tầm thường trong họ Hoàng, quả là gia đạo kiến văn, võ học uyên thâm, nay ta được nhận làm con cháu họ Hoàng cũng xem như gặp phúc trong gia đạo. Suy nghĩ của Vũ chưa hết, thì có tiếng tửu bảo gõ cửa bước vào phòng thưa :

― Thưa khách quan, phòng yến tiệc đặc biệt đã chuẩn bị rồi mời khách quan vào phòng số chín bên trái đó ạ.

Hoàng Hạc đặt tiệc để khoản đãi Vũ Thư Minh, nhân tiện đoàn tụ hai người con trai vừa mới đến, mời :

― Mời tất cả đến phòng dùng rượu lạc kết nghĩa, xem đây là ngày vui của gia gia .

Hoàng Phi Biên vẫy tay ra hiệu cho Vũ Thư Minh đi chầm chậm, có ý thăm dò trước khi nói một chuyện khá đặc biệt hỏi :

― Vũ hiền đệ đã bắt những đồng đảng Mãnh Hùng bang, hiện nay đã đưa về nhà lao Động Đình hồ, trong số ấy có một người bị tệ huynh đánh mù đôi mắt, vậy người này đệ có biết thân thế như thế nào không ?

Vũ Thư Minh rất ngạc nhiên tự hỏi:– Tại sao sư huynh Hoàng Phi Biên lại biết được việc này ? Quả là tài thực, còn hỏi về thân thế của kẻ mù thì ta hoàn toàn không biết gì cả. Chàng hơi ái ngại đáp :

― Thưa đại huynh, quả thực đồng đảng Mãnh Hùng bang đương nhiên là tội đáng chết, nhưng trước khi chúng chết mình phải thẩm vấn nội bộ của họ đã, còn kẻ mù kia thì tiểu đệ hoàn toàn không biết về thân thế, tại sao hiền huynh lại hỏi về người đó, nếu họ là người tốt thì phải đối sử thế nào, thưa đại huynh ?

Hoàng Phi Biên thẳng thắn không chần chờ trả lời :

― Vũ hiền đệ nói đúng lắm, chuyện thẩm vấn tệ huynh đã biết hết rồi, có dịp huynh đệ mình sẽ nói chuyện này sau, nhưng hiện nay cần nhất là cứu kẻ mù kia đã, rồi tự nhiên hiền đệ biết tất cả, kế hoạch tha kẻ mù này bằng cách, chính Vũ hiền đệ đem kẻ mù tên Chu Điệp đi tử hình. Nhưng trên thực tế là đem Chu Điệp đi cầu với gia gia của tệ huynh để chữa đôi mắt cho y, đôi ngày là y lành bệnh, Vũ đệ tạm thời cho vào phủ để ẩn thân với tư cách là làm nô dịch, sau đó bí mật đến Bảo Ba huyện Giao Chỉ, tìm ba đứa nhỏ tên là Chu Thông, Chu Thiện, Chu Hào và gia gia của y đem đến một nơi xa cho họ sống tạm, nhờ Vũ đệ cung cấp phụng dưỡng họ, ngày ấy tệ huynh đến tiếp nhận đem về nhà nuôi dưỡng ba đứa nhỏ ấy, rồi sau đó cho cả gia đình họ đoàn tụ nơi an toàn, tin này rất bí mật không được tiết lộ với bất cứ ai.

Vũ Thư Minh thấy chuyện này hiếu kỳ, tuy nhiên rồi cũng phải biết tình ý trong ấy, còn khả năng thực hiện thì không khó, liền trả lời :

― Thưa đại huynh, tệ đệ thực hiện được theo kế hoạch của đại huynh. Câu chuyện của hai người đến đây xem như đã ăn ý với nhau.

Hoàng Phi Biên trong lòng vui mừng, xen lẫn ít nhiều lo lắng, nhất là lời hứa với Chu Điệp phải thực hiện cho bằng được, cũng có ý đề phòng bất trắc về sau, nói tiếp :

― Tệ huynh đa tạ lòng hảo cảm của Vũ hiền đệ, tuy nhiên phải chú ý đề phòng đừng để thiên hạ biết việc này, thì sẽ không khác nào, mây trên trời chạy nhanh hơn ngựa dưới đất, sấm sét trên trời không sợ bằng sấm sét ở lòng người .

Vũ Thư Minh gật đầu hiểu ý, vừa lúc có tiếng của Hoàng Hạc gọi :

— Nào hài nhi Vũ Thư Minh, Hoàng Phi Biên, sao mà đi chậm thế, tình huynh đệ còn ngày dài tháng rộng mà, vào bàn tiệc rồi hãy nói cho cả nhà cùng nghe chứ ?

Trong bàn tiệc, Hoàng Phi Cương để ý thân thế huynh đệ Phùng Hưng, rồi hỏi Hoàng Phi Bằng :

― Phi Bằng nhi cho Thúc bá biết, thất Hoàng Đức là những ai vậy ?

Hoàng Phi Bằng thừa biết ông thúc bá này rất khó tính, chàng liền đáp :

― Thưa thúc bá, chuyện này đường trường cả ngàn dậm, nói ra đến khi nào cho hết được, Phi Bằng nhi xin nói tóm lược, thất Hoàng Đức một hai đòi cho bằng được, tôn danh Phi Bằng nhi làm sư phụ, đã từ chối mãi mà không được, đầu não của Phi Bằng nhi muốn bể toang làm đôi, một mặt sợ nội tổ trách vấn, còn nữa Phi Bằng nhi rất sợ quý thúc bá, cô mẫu, gia gia cùng như mẫu thân sẽ cho Phi Bằng nhi một trận đòn, cuối cùng Phi Bằng nhi tạm quyết định kết nạp thất Hoàng Đức làm đệ tử, hầu để Phi Bằng nhi tìm cách thoát thân, tuy trên danh nghĩa là sư phụ của thất Hoàng Đức nhưng không có tuyên thệ nhập môn, đây chỉ là sư phụ tình cờ, bất đắc dĩ, nhằm để giao hảo với thất Hoàng Đức mà thôi, thưa Thúc bá ạ .

Hoàng Phi Biên liền cười một tiếng "ha hả", rồi tay để chén cơm xuống bàn nói :

― Phi Bằng nhi nói cũng phải, nhưng Phi Bằng nhi không biết trong giới giang hồ lắm anh hùng, hãy nhìn lên trời thấy sao sáng ở khắp thế gian, đó là nhân tài trong thiên hạ, tuy họ Hoàng cũng có ít tài mọn, nhưng chỉ là hạt cát trong sa mạc, Phi Bằng nhi phải nhớ quyền lực như con giao hai lưỡi, không thể nào "thượng lương bất chánh hạ lương suy", hôm nay xem như là một trong những rắc rối để trưởng thành, biết giải quyết mọi việc khó khăn đang tiềm tàng ở tương lai nguy hiểm . Chính tổ phụ còn chưa tiếp nhận người ngoài làm đệ tử, thế mà Phi Bằng nhi lại to gan làm sự phụ kẻ khác, họ Hoàng từ xưa đến nay chưa ai làm sư phụ của thiên hạ, chỉ có Hoàng Phi Bằng mà thôi. Từ đây Phi Bằng nhi phải tự mình giữ thân, không ai dám gánh giang hồ cho Phi Bằng nhi đâu .

Hoàng Phi Bằng òa lên khóc lớn, miệng mếu máo nói :

― Phi Bằng nhi đã nói trước rồi, chính thất Hoàng Đức hại Phi Bằng nhi mà. Mai này địch nhân của thất Hoàng Đức sẽ tìm cái thân nhỏ xíu này để thử sức, tránh làm sao khỏi ! Trí tuệ của Phi Bằng nhi ngu muội vô tình hóa ra tự hại mình rồi. Giang hồ đương nhiên hỏi thăm sư phụ của Hoàng Đức, quả là hai chữ sư phụ độc hại thực . Phi Bằng nhi xem như từ đây làm nhục họ Hoàng tội đáng chết, Phi Bằng nhi tự trở thành kẻ thù của thiên hạ, sẽ gặp hiền ít, giữ nhiều, gia gia, mẫu thân không bao giờ tha thứ sư phụ của thất Hoàng Đức. Hoàng Phi Bằng tiếng khóc òa càng lớn "hu hu" .

Hoàng Hạc hiểu tính tình của Hoàng Phi Bằng, ông cười nói :

― Phi Bằng nhi, có khóc thì cũng muộn màn rồi, thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng, thôi sự phụ non nín mà chịu, có tổ phụ đây chứng cho, ăn cơm đi. Còn hài nhi Hoàng Phi Biên hãy tha tội cho nó, khi về nhà sẽ tính sau.

Hoàng Phi Bằng thi lễ :

― Tạ ơn tổ phụ, quý thúc bá, từ đây Phi Bằng nhi không hở mồm hứa một lời nào trước người xa lạ .

Hoàng Hạc cười, ông xoay mặt qua Phi Cương, rồi hỏi :

   ― Phi Cương hài nhi, trình bày mọi việc trên đường đi hơn một tháng để cho gia gia nghe nào ?

Hoàng Phi Cương lễ phép bẩm :

― Thưa gia gia, hài nhi đi Hà Bắc liên lạc được Đào trang, Tô trang, Trương trang tất cả ba trang này tiếp nhận lệnh bài đại hội, đã cử đại diện về Phiên Ngung tham dự, do bào đệ Hoàng Phi Vy và đại phu Đào Tứ Cường hướng dẫn. Tiếp theo hài nhi đến Thiểm Tây liên lạc được Hiệp Phùng trang, Lê Ngọc trang cũng đã cử người tham dự do bào đệ Hoàng Phi Phúc và đại phu Lê Đằng hướng dẫn. Hài nhi trên đường đi biết được Giang Tây, Hồ Bắc, An Huy, Quế Châu đã đến Phiên Ngung, cách đây ba hôm do hiền đệ Hoàng Phi Vũ, Đại phu Tô Thành và sư huynh Bàng Lân hướng dẫn.

Riêng cánh Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Triết Giang, Quế Châu, thì do hiền huynh Trần Tam Hiệp và hiền huynh Nguyễn Hà đại diện U Việt hướng dẫn. Thưa gia gia xem như liên lạc ở hải ngoại đã chu toàn.

Về mặt biển, hải quốc do hai hiền muội Hoàng Lữ Giao, Hoàng Lữ Trinh cùng hiền đệ Hoàng Phi Chỉnh hướng dẫn. Hiện giờ mặt biển đã đến cửa Hổ Môn hơn hai mươi ngày, như vậy Âu Việt, Điền Việt, U Việt, Dương Việt, Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt, Lạc Việt, Mường Việt ở hải quốc đồng về tham dự đúng ngày tháng giêng đã định, từ đây đến đó còn hơn tháng mấy ngày.

Thưa gia gia, đại hội lần đầu tiên, do Nam Việt Vũ Đế triệu tập toàn thể Bách Việt trong và ngoài biên cảnh để tìm đồng tình vì Nam Việt, còn ba đoàn Bách Việt nữa, như Thượng Việt, Thái Việt, Dao Việt, khởi hàng từ vùng Nam sông Dương Tử xuống Nam bộ Trung nguyên, trễ lắm là năm ngày sẽ đến cửa biển Hổ Môn. Ngoài ra chúng hài nhi còn đụng độ với bọn cướp Hán, túm được mười tên cho phơi sống ngoài trời tại thành Yên Hòa Hồ Bắc.

Hoàng Hạc vui mừng, đôi mắt châm chiêu hướng về Phiên Ngung thành, và lời muốn nói về Nam Việt tương lai :

― Hiện nay, nhà Hán đã có âm mưu phân hóa nội bộ Mân Việt Trường Sa, họ âm thầm tạo ra bọn gian tế làm phản. Mấy tháng trước người Hán bức tử quản huyện Lăng Ninh tự sát để giữ bí mật, nếu không tự sát thì họ lập kế mưu hồi gian tế về tội làm phản, quản huyện Lăng Ninh sợ tru di tam tộc vì vậy phải tư sát, hậu ý của người Hán muốn "Giữ răn việc trước lành dè thân sau" cho khỏi bại lộ, như thể họ đe chừng những người theo họ, đó là dấu hiệu sự bất ổn không biết ngày giờ nào Bách Việt ta thực sự đối đầu với Hán, không biết khi nào người Hán hành động. Xưa nay người Hán tự xem Bách Việt như chư hầu, chứ không phải là lân bang. Nếu nói thực ra ý nghĩa chư hầu của Bách Việt là ngoại giao giữa hai nuớc lân bang, chứ không phải dưới quyền chư hầu của Hán, chứng minh mỗi năm hai nước đồng triều cống lễ vật cho nhau, có kèm theo chiếu chỉ nội dung ngoại giao giữa Nam Việt và Hán. Cũng nên biết Nam Việt và Hán là hai quốc tộc khác nhau như có chung cùng biên giới, Bách Việt có văn hiến Hùng Vương, người Hán có văn hóa tạp chủng, cũng như đời sống, suy nghĩ của ta khác với người Hán.

Vậy hài nhi phải biết Nam Việt Vũ Đế triệu tập lần này là để thực hiện tinh thần "Hợp Việt Xuất Hán" mục đích của Nam Việt Vũ Đế đã rõ rành và cũng là dịp trừ khử gian tế Hán, từ đây nhà ta đem hết chí thành, bồi đắp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hoàng Hạc nói tiếp:– Gia gia đã gửi thân vào mục đích này hơn nửa đời người, chỉ mong mỏi "Hợp Việt Xuất Hán" thành tựu, từ ngày Nam Việt Vũ Đế cổ xúy cho đến nay đã thành công được phần thống nhất Bách Việt, còn về phần triều đình thì chưa hoàn hảo, bởi giới quan trường có những tranh đua háo danh, vì vậy mà sinh lòng làm phản, có kẻ dâng đất, bán tình đồng bào cho Hán. Nay hài nhi đã hiểu được tình hình Bách Việt, như vậy ngày mai hài nhi lên đường gấp, đây là lệnh bài thay mặt gia gia, dâng tấu văn Trường Sa Vương ủy thác, khi về đến thành Phiên Ngung yết kiến Nam Việt Vũ Đế, hài nhi nhớ xin Nam Việt Vũ Đế lập trại hải quốc gần nội cung Hoàng Đế, tất cả lương thảo di chuyển đường biển chia ra làm hai phần, một nhập vào kho Hoàng triều để cung cấp lương thảo cho đại hội, phần còn lại để tại thành Hợp Phố.

Ngày mai gia gia đi Tượng Quận, ngày rằm tháng chạp gia gia trở lại thành Phiên Ngung yết kiến Nam Việt Vũ Đế. Hài nhi trình bày như thế thì Nam Việt Vũ Đế biết mọi việc làm của gia gia.

Hoàng Phi Cương cúi đầu thi lễ :

― Hài nhi vâng lời, thực hành đúng lệnh của gia gia.

Lần đầu tiên Hoàng Phi Bằng nghe tổ phụ truyền lệnh cho quý thúc bá và bàn việc đại sự Nam Việt. Hoàng Phi Bằng tự nghĩ:– Mình nghe chuyện lạ của người lớn, quả là mình còn ngơ ngác thật . Tuy vậy lòng mình cũng có cảm giác thích thú tinh thần "Hợp Việt Xuất Hán". Từ ngày đi với tổ phụ, mình mới mở được tầm mắt, hiểu biết một phần lịch sử dân tộc, cảm phục tổ phụ đã dâng hiến đời sống riêng tư cho Bách Việt . Trước đây Hoàng Phi Bằng lúc nào cũng nghĩ kẹo đậu lạc, hay ăn chè đậu đen, uống trà nóng vào buổi trưa, nhất là ăn bánh bao vào buổi sáng khẩu vị nhất đời thiên hạ.

Đến hôm nay Hoàng Phi Bằng mới hiểu được cái đầu cũng cần phải có thứ lương thực tinh thần để nuôi chí khí và quyết định sự sống cho đời mình, một thứ lương thực khó tìm, như lý tưởng "Hợp Việt Xuất Hán" mà mình được hấp thụ bởi gia đình. Hoàng Phi Bằng suy nghĩ:– Ừ nhỉ đây cũng là lần đầu thấy tổ phụ, ngồi nói chuyện với quý thúc bá, bằng tình gia tộc về cuộc đại sự Nam Việt.

Hoàng Phi Bằng chăm chú nghe thúc bá Hoàng Phi Cương nói chuyện và để ý hai ông già tóc bạc tóc râm, nếu người ngoài thấy hai ông già này thì không biết ai là cha và ai là con . Hoàng Phi Cương nay đã sáu mươi hai tuổi, trong khi ấy Hoàng Hạc cũng đã ngoài tám mươi tuổi thế mà sức khỏe hao hao như Hoàng Phi Cương, trông thấy thân pháp của thúc bá Hoàng Phi Cương như một con hổ, con rồng, vai rộng, đôi mắt chiếu ra như có nhãn lực huyền bí, thúc bá Hoàng Phi Cương mới quét đuôi mắt đến Hoàng Phi Bằng thế mà thân thể đã bị nhũn cả người xuống, trong lúc ấy gia gia của Hoàng Phi Bằng thì như một thư sinh, còn thúc bá Hoàng Phi Biên tướng mạo uy nghi phi thường, tay dài, hình hài trí hơn thúc bá Hoàng Phi Cương, lời nói như ông bao công, biện luận đi đôi việc làm, chứng dẫn cùng hành động một lúc, ông có một âm lực thuyết phục nhân tâm, người trên trọng đức của ông, người dưới thì trọng tài năng lý biện về "Hợp Việt Xuất Hán" trong khẩu âm của ông như có ánh sáng. Đột nhiên Hoàng Phi Bằng tấm tắc luôn miệng :

― Tương lai Phi Bằng nhi sẽ anh lịch như quý thúc  bá.

Hoàng Phi Cương ngạc nhiên hỏi :

― Phi Bằng nhi nói gì thế, mà lão gia không hiểu ?

Hoàng Phi Bằng liền đáp :

― Thưa thúc bá, hôm nay Phi Bằng nhi được nghe việc đại sự của Nam Việt, cho nên Phi Bằng nhi muốn học làm anh lịch Bách Việt nhưng không biết có được không ?

Hoàng Phi Cương, đôi mắt nhìn thẳng vào Phi Bằng với một tiếng ồ :

― Phi Bằng hiền điệt, còn rất nhiều thời gian để học làm người lớn, nhưng trước mắt phải có võ nghiệp, đức nghiệp để làm vốn đã, bây giờ Phi Bằng nhi phải lo luyện quyền, kiếm, nội công, bạch thiết châm. Thúc bá hứa truyền hết cho Phi Bằng nhi, nhưng không biết Phi Bằng nhi có tiếp thu được không, khó mà biết trước được tương lai, nếu như Phi Bằng nhi có chí khí, cường dũng vì Bách Việt thì không bao lâu sẽ như quý thúc bá khác và gia gia của Phi Bằng nhi. Riêng thúc phụ sẽ dạy lại cho Phi Bằng nhi bằng những chiêu quyền đầu tiên tại thành Phiên Ngung.

Hoàng Phi Bằng trong lòng mênh mang, lại vừa luôn miệng nói :

― Phi Bằng nhi xin cúi đầu khấu bái ra mắt sư tổ, quý sư phụ, từ đây Phi Bằng nhi hầu hạ sư tổ, quý sư phụ muôn năm.

Hoàng Phi Biên tính người ít nói, nhưng khi thấy Hoàng Phi Bằng đối đáp trôi chảy, cũng bật tiếng cười "ha hả" nói :

― Từ đây Phi Bằng nhi có rất nhiều sư phụ, mỗi sư phụ có tài năng khác nhau, trước mắt Phi Bằng nhi đã có tổ sư, kế đến mấy thúc bá, nhị vị cô mẫu, gia gia, mẫu thân, à còn có Vũ thúc bá nữa, thế là Phi Bằng nhi có rất nhiều sư phụ, tha hồ mà học võ nghệ.

Hoàng Phi Bằng trong lòng nghĩ sao nói vậy, tuổi thơ không hề ái ngại nói :

― Thế thì Phi Bằng nhi là người có rất nhiều sư phụ phải không thúc bá ? Lâu nay Phi Bằng nhi tưởng chỉ có gia gia là người duy nhất biết sử dụng "Bạch thiết châm" không ngờ võ học nhà mình như trường sơn, biển cả.

Thưa thúc bá lâu nay Phi Bằng nhi đi với nội tổ đã hơn tháng, học được ít chiêu quyền, kiếm pháp, nội công, huyệt đạo, bạch thiết châm và học được nhiều kinh nghiệm cõi giang hồ, không giống như ngày Phi Bằng nhi còn sống bên mẫu thân.

Hoàng Phi Biên trầm ngâm một nụ cười kín đáo nói :

― Đúng rồi, đã đi với ngoại hiệu Bạt Kiếm Cầm Tiêu Lão Hiệp, thì Phi Bằng nhi nên nhớ, tuy nhà mình có võ học đôi phần hơn người nhưng không thể hơn cả thế gian, tốt nhất bất lộ, bởi nhà ta không tham vọng ôm cả bầu trời này để xưng hùng trong giới giang hồ, nhà ta cũng còn chú trọng trí, đức, nghĩa, tín nữa đó .

Hôm nay cần phải làm là giao lưu chiêu hiền đãi sĩ, mục đích "Hợp Việt Xuất Hán" như vậy Phi Bằng nhi phải đi trên đại chính của Tổ phụ, có như thế thì Tổ phụ mới hài lòng. Một lần nữa nhớ nhé, kẻ nào đi mây về gió bằng tay không, thì họ Hoàng không chấp nhận là thành viên ấy, Bằng chi chú ý.

Hoàng Phi Bằng tuy có khiếp sợ lời cảnh cáo của Hoàng Phi Biên, nhưng trong cũng có niềm tin riêng đáp :

― Thưa thúc bá, Phi Bằng nhi hứa không phụ lòng nội tổ, quý thúc phụ, quý cô mẫu, gia gia và mẫu thân, cũng như quý huynh đệ của Phi Bằng nhi.

Hoàng Phi Biên đổi vẻ mặt nhu hòa nói :

― Tốt lắm, tốt lắm, Phi Bằng nhi mới mười lăm tuổi mà đã sớm có tinh thần Bách Việt của nhà ta, quý thúc phụ mong ước tương lai Phi Bằng nhi, không có cái tôi sư phụ của thất Hoàng Đức nhé ?

Bây giờ đã đến lúc tạm biệt, thúc bá hẹn tái ngộ Phi Bằng nhi tại thành Phiên Ngung.

Hoàng Phi Biên nghĩ về thằng cháu Hoàng Phi Bằng:– Nó ăn nói tự nhiên, tinh thần như người lớn, nó thông minh thật đấy, hy vọng hậu duệ họ Hoàng có lưu chí bảo hộ Bách Việt.

Cha ông, bác cháu họ Hoàng tạm biệt cùng lúc, ra khỏi Phong Lưu Tử Lầu, Hoàng Phi Cương, Hoàng Phi Biên phi thân lên yên tuấn mã, thúc vó về hướng Nam Phiên Ngung.

Hoàng Hạc và Hoàng Phi Bằng vẫy tay tạm biệt. Vũ Thư Minh chứng kiến được tình nhà họ Hoàng, nay có sự hiện diện của Vũ Thư Minh xem như một thành viên gia đình, không ngăn cách nội ngoại họ Hoàng, mọi cử chỉ hành động đối với Vũ không khác nào máu đào.

Vũ Thư Minh vòng tay trước ngực thưa với Hoàng Hạc :

― Thưa nghĩa phụ, hài nhi muốn nhờ nghĩa phụ một việc rất cấp thiết không biết có được không ?

Hoàng Hạc vội hỏi lại :

― Hài nhi, có việc gì cứ nói thực đi, nghĩa phụ sẽ giúp cho, đừng ngại.

Vũ Thư Minh liền thưa :

― Thưa nghĩa phụ, đại huynh Hoàng Phi Biên nhờ hài nhi cứu một người mù mắt, hiện đang ở trong nhà tù Động Đình hồ, rồi sau đó thỉnh cầu nghĩa phụ ra tay cứu người ấy.

Hoàng Hạc hỏi lại :

― Thế thì người ấy có liên hệ với Hoàng Phi Biên, nhưng mà mù mắt đã bao lâu rồi ?

   ― Thưa nghĩa phụ, chỉ mới hai hôm thôi.

Hoàng Hạc hối hả giục giã :

― Thế thì hài nhi đem người ấy đến đây gấp.

Vũ Thư Minh vừa dạ, rồi đi ngay, hơn hai mươi khắc sau, Vũ Thư Minh đem Chu Điệp đến. Cả bốn người lên đường về hướng Châu Giang, vừa đi vừa chữa mắt cho Chu Điệp, tuy nhiên ông biết đôi mắt này bị mù do "Bạch Thiết Châm" của Hoàng Phi Biên. Ông xem qua đôi mắt chưa bị mù, các kinh mạch chung quanh chưa tắc nghẻn, nếu chữa trị các mạch đó thì được lành bệnh. Ông thừa biết Hoàng Phi Biên làm mù mắt nhưng còn để hậu, cho nên chữa không khó, hai ngày sau đôi mắt của Chu Điệp bắt đầu sáng từ từ, Chu Điệp lòng vui mừng đa tạ :

― Tại hạ, kính đa tạ Tiên sư, Trường Sa Vương và thiếu hiệp, ân nghĩa lớn quá mà tại hạ không có gì để đền đáp, vậy xin hứa mai sau da tạ, hiện thời cho tại hạ xin mỗi vị một lạy.

Hoàng Hạc có tính cứu người không để người thọ ơn, ông nói :

― Thôi được rồi, khỏi phải lạy làm gì, tình nghĩa để trong lòng, hẹn có ngày gặp lại, bây giờ các hạ theo Trường Sa Vương về đi.

Vũ Thư Mình khoanh đôi tay thưa :

― Thưa nghĩa phụ, hài nhi xin trở về vương phủ, chúc nghĩa phụ, cùng Phi Bằng nhi thượng lộ bình an, tam biệt.

Chu Điệp cũng đôi lời đa tạ ân công :

― Đa tạ ân công.

Chu Điệp chúc người cứu mình mà không biết người ấy là ai, mọi việc diễn biến hối hả, vị ấy cũng không hỏi tên họ của mình quả là lạ thực, chỉ biết Trường Sa Vương mà thôi .

Vũ Thư Minh và Chu Điệp đi về thủ phủ Nhạc Dương. Hoàng Hạc và Hoàng Phi Bằng phóng hồng tuấn mã phi nhanh như gió đi về hướng Tây. Cuộc trùng phùng khắc sâu đậm trong ký ức của họ Vũ, đôi hình bóng xa dần dần, rồi lờ mờ ở cuối chân trời, nhưng tâm trí nhớ thương hoài, trong tim của họ Vũ rộn ràng, ấm áp không còn kình kình như xưa.

Hoàng Hạc di chuyển bằng đường sông qua xã đò Châu Giang đến Tây Giang rồi từ đó đi đến thành Bạch Đế Tượng Quận mất độ mười lăm ngày đêm.

*

*        *

Thời điểm này ở Tương Quận có biến loạn, tại biên giới Nam Việt-Hán, do Nguyễn Hồng tạo ra mâu thuẫn, một trong thất anh hùng Tương Quận, sinh lòng tham vọng cá nhân, chia rẽ nội bộ Mân Việt và Điền Việt.

Nguyên nhân Nguyễn Hồng duy quyền làm phản, thất huynh đệ Tượng Quận, đã có một thời vang danh anh hùng, Nguyễn Hồng là một tướng hữu dõng vô mưu, lại thiếu cam đảm để tiếp nhận hành động cùng suy nghĩ của thất huynh đệ Tương Quận. Anh hùng Tượng Quận đã hết tâm huyết, khuyên can Nguyễn Hồng nhưng không nghe, còn đi xa hơn là khuyến khích Mân Việt làm phản, Nguyễn Hồng hy vọng xưng vương Tượng Quận. Tham vọng lớn mà thực lực không có, vả lại thực tài cai trị cũng không có, tham vọng tối mặt không còn thấy nội lực cá nhân, khác nào đi vào cõi "Thân sống không bằng thân chết".

Cuộc chiến thắng nào cũng có mục phiêu chính nghĩa, như ở Trường Sa và Nam Hải anh hùng kỳ tài Mân Việt phù "Hợp Việt Xuất Hán", khi ấy ở Tượng Quận người Mân Việt chỉ là thiểu số thường hay chia rẽ, lòng người sai ý vô trí, đó là nguyên nhân gây loạn biến, làm khổ cho biết bao nhiêu người dân phải cuốn vào ly tán. Nguyễn Hồng nguyên là nguời Mân Việt sinh tại Tượng Quận.

Phùng Minh có bảy đệ tử đắc ý nhất là Phùng Nam, Lê Bình, Trần Đông, Đỗ Trương, Nguyễn Hồng, Trần Đại Khánh và Nguyễn Thành Trung. Ngày Phùng Minh qua đời có để lại di chúc cầu khẩn sư phụ Hoàng Hạc, bảo bọc bảy đệ tử của ông, nhờ vậy huynh đệ Phùng Nam trở thành thất anh hùng hiệp nghĩa, tiếng vang khắp đất Tượng Quận, trên danh nghĩa Hoàng Hạc là sư tổ, huynh đệ Phùng Nam nhờ Hoàng Hạc bồi đắp võ học cho nên tiến bộ không ngừng, huynh đệ Phùng Nam có được kiến thức võ học Bách Việt, cũng như hiểu sự khác biệt võ học Lĩnh Nam và Lĩnh Bắc, đặc biệt võ học Bách Việt phối hợp nhu cương và âm dương, còn võ học Hán thì trái lại khát máu hơn. Ngoài ra Hoàng Hạc còn tiến bạt huynh đệ Phùng Nam cho Nam Việt Vũ Đế để trở thành thất hùng Tượng Quận ngày nay.

Trước khi tiến bạt huynh đệ Phùng Nam, Hoàng Hạc cho biết :– Nam Việt Vũ Đế (Triệu Đà) là người Hán, có tham vọng mang lại lợi ích cho Bách Việt. Và còn dẫn giải tiếp : – Nam Việt Vũ Đế là người duy nhất tập hợp được Bách Việt thành một khối tôn tộc lớn ở Đông Nam Á để thực hiện chí nguyện "Hợp Việt Xuấn Hán", thành hình một cõi bờ Phương Nam độc lập, gồm những xứ của Bách Việt như Trương Sa (Động Đình Hồ) Tượng Quận (Côn Minh) Quế Lâm (Nam Ninh) Nam Hải (Phiên Ngung) và Giao Chỉ (Phong Châu) Hải Nam (Châu Nhai) một khi "Hợp Việt Xuấn Hán" thành công thì nhà Triệu ở trong đất Bách Việt lâu ngày cũng phải hòa nhập theo phong hóa, còn thịnh suy của nhà Triệu chỉ là thời gian, đó là lẽ của thường tình trời đất thay ngôi, đổi chủ. Mai sau Bách Việt toàn nguyên, sơn hà Bách Việt như ta đã thấy rộng thênh thang. Ngày nay chúng ta hợp lực và nuôi dưỡng tinh thần "Hợp Việt Xuấn Hán" chúng ta xây dựng cho con cháu một gia tài gấm vóc sơn hà ngút ngàn. Trái lại chúng ta "Phục Hùng Bài Triệu" nếu thành công thì sơn hà gấm vóc chỉ được một Giao Chỉ mà thôi, như thế chúng ta được một cánh tay phía Nam, mà vô tình mất cả phần lớn của thân thể Bách Việt ở phía Bắc.

Nếu như nhà Triệu yếu thì nhà Hán có cơ hội thôn tính Nam Việt, tiếp theo sau đó nhà Hùng cũng chung cuộc như Triệu, cái thảm họa cho Bách Việt không thể lường trước được. Bách Việt ta có cùng một cá tính, yên vui, nhàn tản, tình cảm, đời sống chịu cực, cần kiệm, kiên nhẫn, cương cường, đạo đức và lý trí. Trong khi ấy người Hán gian hùng, hiếu chiến, tâm độc, từng xâm chiếm những quốc gia ở Bắc nguyên và Trung nguyên, những quốc gia này vừa mất nước lại bị thảm họa Hán hóa, như Đại Lý, Hạ, Kim, Lỗ, Ngô, Sở, Tấn, Tần, Tề, U Việt, Thổ Phòng, Tống, Vệ, Yên v.v...

Nay chúng ta cùng nhau vận dụng toàn lực "Hợp Việt Xuấn Hán" để tránh rơi vào cạm bẫy của người Hán, có như vậy mới trừ được tâm địa thâm độc của Hán, hiện nay người Hán đang hướng mắt lăm le xâm chiếm xuống Phương Nam Bách Việt, hiểm họa trước mắt đó là Bách Việt đang ở bên hông người Hán, cho nên biên giới phải luôn luôn phòng thủ, về nội trị Nam Việt đừng để người Hán phân hóa, có như vậy biên giới Việt-Hán mới chia hai cõi trời phong thổ, văn hiến Việt-Hán khác nhau không bao giờ hợp.

Những lời dạy bảo tha thiết của Hoàng Hạc đã từng nuôi ý chí Nguyễn Hồng, nay trớ trêu thay Nguyễn Hồng tự trở thành lãnh tụ Mân Việt Xã, lập khu tự trị tại biên giới Tượng Quận giáp giới Tây Tạng, trải xuống Nam Tứ Xuyên .

Buộc lòng Tượng Quận Vương Phùng Nam, ban biểu truyền quyền soái tướng quân cho Nguyễn Thành Trung, Đại-tư-mã Lê Bình, Lãnh binh kỳ vệ Trần Đông và Đại tư-khấu Đỗ Trương quyết định lập an ninh cho Tượng Quận.

Soái tướng Nguyễn Thành Trung binh mã trung quân, Đại-tư-mã Lê Bình đông quân, Lãnh binh kỳ vệ Trần Đông Tây quân, hậu quân Đại tư-khấu Đỗ Trương lương thảo, còn Trần Đại Khánh phòng binh Tượng Quận, huynh đệ Phùng Nam phất cờ xuất quân đánh Nguyễn Hồng.

Trên đường chuyển quân, soái tướng Nguyễn Thành Trung, gặp đoàn thuyền đang di chuyển trong thời Tý, từ Đông sang Tây để vào đầu Tây Giang.

Tướng quân Nguyễn Thành Trung gọi lại :

― Hởi đoàn thuyền kia, cho tại hạ biết chủ nhân là ai, cớ gì di chuyển vào thời này ?

Chúng Hoàng Đức ở đầu đoàn thuyền ngửng đầu lên, trả lời :

― Đây là đoàn thuyền của "Chủng tộc da vàng, đức độ vô biên" mà người ta thường gọi là Hoàng Đức bang, thế mà nhà ngươi không biết hay sao ?

Trong suy nghĩ của mỗi chúng Hoàng Đức rất hãnh diện danh xưng mới của mình, chính nội dung Hoàng Đức đủ họ hiểu được mục đích sống và hành động theo nghĩa hiệp, họ không cần văn tự triết lý cao siêu, họ cũng có những khát vọng sống vì Bách Việt, cho nên họ được nghe luận thảo về "Hợp Việt Xuất Hán" là mục tiêu sống chết anh hùng, từ lâu họ tha thiết sống theo mẫu người anh hùng, hiệp nghĩa, họ xem Phùng Điền bang thuộc về quá khứ, nay chỉ duy nhất làm người Hoàng Đức.

Phùng Hương con nhà quan thấy quân mã, cờ xí di chuyển trong đêm, là biết gặp hung nhiều, kiết ít không lường trước được. Phùng Hương vội truyền lệnh .

Hởi này huynh đệ. Chuyển thuyền về lại hướng Đông tránh quân quan.

Tướng quân Nguyễn Trung Thành biết người ra lệnh lái thuyền về bờ Đông chính là chủ gia của đoàn thuyền. Nguyễn Trung Thành liền gọi :

― Ngũ huynh, cho đệ một chiếc ghe nhỏ để chặng đoàn thuyền đang trở đầu di chuyên về bờ Đông.

Ông dùng nội lực chèo ghe phóng thật nhanh, tiếng nước dưới sông vang động "xẹt xẹt" ba khắc đã đến trước mặt chủ nhân đoàn thuyền, ông phi thân đứng trước đầu thuyền của Phùng Hưng.

Phùng Hưng nghĩ thầm:– Nếu như họ chỉ có hai trăm nhân mã muốn ăn cướp lương thảo của mỗ thì khó mà thành, đằng này họ là quân quan, hình như đang trên đường chinh phạt, chẳng hay họ muốn mượn lương thảo của mỗ chớ gì ? Thôi thì dò dẫm rồi hãy tính sau.

Nguyễn Trung Thành nghi ngờ và tự hỏi:– Đây chính là đoàn thuyền của Nguyễn Hồng đi mua lương thảo nhằm dự trữ lâu dài cho cuộc chiến, nếu thực sự vố được của này thì không khác nào chưa xuất quân mà đã thắng trận đầu.

Dưới dòng sông có thêm hai người Lê Bình và Trần Đông, phi thân lên thuyền đứng gần Nguyễn Trung Thành để hộ vệ. Nguyễn Trung Thành thấy chàng trai trẻ đứng trên thuyền với thủ pháp bình nhiên, tay cầm chuôi kiếm, cùng lúc thấy trong đoàn thuyền có sáu nam một nữ trẻ, đồng phi thân tay cầm kiếm đứng bên Phùng Hưng. Phùng Hưng khoan thai với giọng nói uy lực :

― Quí hiền đệ muội về chỗ cũ lo phận sự của riêng mình, đừng ở đây, một mình ngu huynh cũng đủ rồi.

Lữ Trường Gia chưa an tâm, còn do dự nói :

― Dạ, nhưng mà đại huynh cẩn thận đấy, chúng đệ đi đây.

Nguyễn Trung Thành ngạc nhiên:– Không ngờ, chàng trai này có nhiều lá phổi, dĩ nhiên võ nghiệp phải phi thường mới xem Tượng Quận tướng quân Lê Bình, Trần Đông chưa phải là địch thủ của y ư ?  Ông thấy sự việc khác thường tự hỏi tiếp:– Tại sao đoàn thuyền biến thành một vòng tròn bao vây thuyền ông, Lê Bình, Trần Đông đang đứng, bỗng thấy dưới song bày ra một đồ trận, chưa có lệnh cho nên họ vẫn thủ trong thế tiến công. Nguyễn Trung Thành hỏi :

― Các hạ cao tính đại danh là chi vậy, còn đoàn thuyền này đến đây với mục đích thế nào ? 

Phùng Hưng liền cười, trả lời :

― Thưa đại quan, tại hạ là Phùng Hoàng Đức, thủ lĩnh hoạt động khắp miền Tây Giang, Đông Giang, cho đến cửa biển Hổ Môn và xa hơn nữa, Hoàng Đức bang chuyên về kinh doanh, sinh hoạt lương thiện, nhưng nếu ai muốn gây sự, tại hạ cũng không khoanh tay để tài sản đi vào nhà họ khơi khơi được.

Nguyễn Trung Thành nghiêm trang nét mặt hỏi :

― Mỗ, thấy các hạ tuổi trẻ mà đã có khí phách anh hùng, đứng trước ba cao thủ mà không có một cử chỉ nào đề phòng hay nao núng, vậy xin mời các hạ vài chiêu giao hảo để hiểu chân truyền kiếm pháp xuất từ đâu.

Phùng Hưng cười, trả lời :

― Thưa đại quan, võ học của tại hạ vô sư không có gì gọi là chân truyền, chỉ là một mớ học thừa trong cõi đời này, tuy võ học thô sơ cũng không đến nỗi nào hổ danh vô sư, tại hạ kính mời đại quan xuất chiêu.

Nguyễn Trung Thành nghĩ thầm trong bụng:– Thằng lỏi này nói đùa thật hay ư, võ nghiệp vô sư thì không khi nào có, chỉ có kinh vô sư. Mỗ là mọt sách của Thái Thượng Lão Quân có nói "Kinh vô sư", chứ chưa bao giờ nghe sách nào nói "Võ học vô sư". Thôi thì võ hay kinh vô sư gì cũng được. Mỗ thử xem thằng lỏi này có bao nhiêu bản lĩnh cao cường, ông ung dung mời :

― Mời các hạ xuất chiêu trước.

Phùng Hưng cầm chuôi kiếm xuất bốn thức một chiêu "Long châu hải" kình lực bao khắp tứ phương, với một sức mạnh phát ra tiếng gió "vù vù". Nguyễn Trung Thành tay phải cầm thanh đơn đao xuất kình lực chiêu số "Hổ báo đao" phong ba rợn người "vèo vèo" luôn miệng nói lớn:

― Các hạ cẩn thận nhá, đao vô tình có thể lấy mạng đó .

Tiếng kiếm đao chạm nhau vang lên "koong koong", tỷ đấu trên hai mươi hiệp chưa phân thắng bại, Nguyễn Trung Thành tay chỉnh đao pháp, xuất bảy thức một chiêu "Binh lĩnh đao" rồi hóa chiêu thành "Phụng thủy đao" mỗi thức biến từ bảy, nhân lên năm thành ba mươi lăm chiêu trong "Đao Trung Ưng" hướng vào những yếu huyệt địch thủ.

Còn Phùng Hưng dụng chiêu âm ba, biến đoạn mười hai thức thành một chiêu chuyển mình qua trái, phi thân lên không, biến kiếm xuất chiêu "Tiên phủ vị" chiêu thứ mười hai thức trong "Tuyệt Cao Kỳ Kiếm" phủ trên đỉnh đầu Nguyễn Trung Thành.

Hồn phách Nguyễn Trung Thành thất lạc, sau ót cảm nhận lành lạnh, buộc lòng phải xuất hư chiêu lánh người qua một bên nhưng chân vẫn còn đứng ở thế như thủ, tránh được nguy hiểm thế mà Nguyễn Trung Thành vẫn còn lo sợ chiêu kế tiếp của địch thủ, đôi mắt người giang hồ chỉ cần đưa nghiêng qua là đã biết dưới chân bị thanh kiếm của Phùng Hưng khoét một vòng tròn bằng miệng chén. Phùng Hưng cúi xuống cầm mảnh ván tròn trên tay tự bao giờ, đủ biết kiếm pháp của chàng thanh niên này không phải là loại tầm thường. Nguyễn Trung Thành bổn tính người nhân hậu, đã từng trải giang hồ cho nên biết người biết mình, ông để lòng đa tạ kiếm pháp chàng trai đã tha tội chết. Ông thẳng thắn lên tiếng trước người thanh niên trẻ :

― Đao của mỗ đã thua kiếm pháp của các hạ rồi, thán phục.

― Thưa đại quan, đao và kiếm chưa tỷ đấu hết nội lực, thức đao chưa sử dụng hết chiêu số, thì cớ nào đã phân thắng bại.

Nguyễn Trung Thành buông thông một tiếng thở dài :

― Mỗ là Tượng Quận tướng quân Nguyễn Thành Trung, nói thắng thua chỉ cần giao hảo mươi chiêu là đủ, nay mỗ thua các hạ cũng là thường, vốn mỗ kính trọng nhân tài võ học, ai hơn mỗ đó là cho mỗ một niềm vui, hãnh diện được tao ngộ anh hùng. Như mỗ đã nói trước chỉ vài chiêu giao hảo ấy mà, nhưng đã tỷ đấu trên hai mươi chiêu rồi.

Phùng Hương vừa nghe tên Tượng Quận tướng quân Nguyễn Thành Trung, chàng xúc động vội quì xuống thủ lễ. Nguyễn Thành Trung tự nhiên thấy Phùng Hưng quì xuống lạy mình, rồi oà lên khóc như một trẻ thơ, miệng nói những lời gì đó mà không nên lời. Ông rất ngạc nhiên vô cùng suy nghĩ:– Tại sao có kẻ giang hồ chiến thắng mà lạy địch thủ bao giờ . Ông chưa từng thấy trên giang hồ có cảnh như hôm nay . Ông se mình hỏi địch thủ :

― Như thế này nghĩa là gì ?

Phùng Hưng đứng dậy "thút thít", nước mũi sụt sùi, chàng òa khóc, tay lau nước mắt, tay khoanh thưa :

― Thưa thúc thúc, chính là Hưng nhi đây, hôm nay lỡ tay phạm thượng với thúc thúc, tội này đáng để cho thiên hạ chê cười . Tây Giang cũng không rửa sạch tội của Hưng nhi, xin thúc thúc sử lý hay là gia ân tùy ý.

Nguyễn Trung Thành đắc ý vỗ vai Phùng Hưng, đôi mắt ông cũng ngấn lệ :

― Trời cao còn ban ân điển, tạo dịp cho thúc thúc và Hưng nhi được gặp gỡ trong hoàn cảnh trớ trêu này, có như vậy mới nhận được tình nhà, quả nhiên mọi việc có vô thường định phân. Trong đêm tăm tối như thế này chính thúc thúc đây cũng không biết Hưng nhi là ai, cho nên thúc thúc cùng Hưng nhi một nhà trống mái thế này, may mà không có ý quyết đấu với nhau nhờ thế mới được an thân, thúc thúc cũng có lỗi với Hưng nhi đấy chứ, âu cũng do thúc thúc thách thức trước kia mà, hãy xem hôm nay là cuộc hội ngộ trong đời hy hữu, may cho nhà mình mới tỏ rõ thân thế của Hưng nhi.

Hiện giờ có ba người đứng bên thúc thúc là thúc thúc Lê Bình, thúc thúc Trần Đông, thúc thúc Đỗ Trương. Hưng nhi quì xuống làm lễ tạ ơn quý thúc thúc:

― Thưa quý thúc thúc, Hưng nhi xin nhận tất cả lỗi lầm, Hưng nhi đã gây ra trong đêm nay, mong quý thúc thúc thay mặt gia tộc mà ân xá.

Nhân hôm nay Hưng nhi, xin thưa cùng quý thúc thúc không biết gia gia, mẫu thân, quý thúc mẫu và quý sư huynh, sư đệ của Hưng nhi có khoẻ không, sao không thấy thúc thúc Nguyễn Hồng ?

Lê Bình, Trần Đông, Đỗ Trương đồng một suy nghĩ :– Hưng nhi lễ phép thật, lâu nay chúng ta tưởng nó là đứa bướng bỉnh, phóng đãng nay không ngờ Hưng nhi đã thành danh võ học hơn người, phước nhà mình đúng lúc thêm một Phùng Hưng, nhưng bớt một Nguyễn Hồng làm phản, gây ra gia biến, làm trái với tình huynh đệ trên bốn mươi năm, tội của Nguyễn Hồng không còn tha thứ được. Lê Bình vui mừng và ôn tồn :

― Quý thúc thúc lấy làm xúc động lắm và hãnh diện có một Hưng nhi hiệp nghĩa, đáng để quý thúc thúc ngưỡng mộ khí khái tinh thần võ học, đây là niềm vui khôn xiết, Hưng nhi hãy bình thân đứng lên đi, để thân thể vươn vai hùng dũng, quý thúc thúc sẽ nói về tình hình đất Tượng Quận ngày nay, đang có sự gia biến cho Hưng nhi nghe. Ông lấy một hơi sâu vào lòng ngực, rồi nói tiếp : – Riêng về gia quyến từ trên xuống dưới như gia gia, mẫu thân, thúc mẫu, sư huynh, sư đệ của Hưng nhi đều mạnh khỏe, bình an, vô sự cả, có phần hưng thịnh hơn trước nhiều lắm, nhưng chỉ có một cái bát bị vỡ, lấy đủ thứ như mật ong, trứng gà vá hoài mà cũng không nguyên như cũ, đành phải bỏ ra khỏi gác bát. Chính hôm nay đi bỏ cái bát bị vỡ đó, không ngờ ở giữa đường lại gặp được Hưng nhi ở đây, lòng của ta thấy cũng an định lắm .

Phùng Hưng ngập ngừng, tiến gần mấy bước hỏi :

― Thưa quý thúc thúc đi bỏ cái bát ấy nghĩa là gì vậy ?

Trần Đông nghiêm nghị, buông tiếng thở dài :

― Thúc thúc Nguyễn Hồng của Hưng nhi, Hắn đã làm phản rồi ! Gia gia của Hưng nhi cùng quý thúc thúc, đã nhiều ngày đêm thảo luận và phân giải hết lời khuyên hắn mà không thành, vì vậy mới xuất binh mã đi bỏ cái bát vỡ đó, nếu hắn còn sống ngày nào thì tinh thần cả gia đình đau khổ ngày ấy. Mỗ há sợ địch, nhưng lại sợ gia biến, hắn làm cho mỗ xuống tinh thần, nay mỗ phục mệnh đại huynh, với trách nhiệm mưu cơ chiến trận. Thế mà hết kế mưu để trừ hắn, binh mã đã xuất mà lòng mỗ mịt mù, vì kết nghĩa phải lầm hắn, đó mới là gai châm trong người của mỗ. Huynh đệ mỗ trên bốn mươi năm kết thành núi cao khó mòn, sông sâu khó cạn, tình như biển rộng, đến nay đành xem hắn là địch thù, còn đâu liêm sỉ, tức chết được thôi .

Con thuyền đang bị dòng nước chảy xiết kéo mạnh, cho nên Phùng Hưng và quý thúc thúc trở bộ pháp nghiêng mình để lấy lại cân bằng thế đướng trên thuyền, Phùng Hưng trịnh trọng :

― Thưa quý thúc thúc, cảnh nhà mình cũng không vì một thúc thúc mà để cả nhà buồn khổ, phế thúc thúc Nguyễn Hồng là một công việc đại sự hướng về tương lai Bách Việt, người nào làm phản Bách Việt, thì người đó phải chịu trách nhiệm, việc nhà, việc nước phải phân minh. Phùng Hưng suy nghĩ một lúc nói tiếp :– Hài nhi xin dâng hiến một kế như thế này . Hiện giờ Hưng nhi có binh mã riêng như đoàn thuyền này đủ sức giao chiến với một lực lượng bảy trăm địch, Hưng nhi có sáu đại tướng hùng tài, mười tám phó tướng quân như mãnh hổ, năm mươi hạng sĩ như một thành trì, và một trăm bảy mươi chúng Hoàng Đức tinh nhuệ. Sáu đại tướng của Hưng nhi đích thân phế thúc thúc Nguyễn Hồng, nếu bắt sống được càng tốt, chiêu dụ tàn binh của thúc thúc Nguyễn Hồng trở về với Tượng Quận, riêng Hưng nhi cùng quý thúc thúc chỉ lượt trận, vậy cùng lúc giữ được tình nhà, nghĩa nước.

Trần Đông trầm ngâm một lúc nói :

   ― Kế mưu này cũng hay, Hưng nhi đã có được diệu kế thế thì ngày mai quý thúc thúc sẽ lên đường ngay, còn hiện giờ Hưng nhi cho quý thúc thúc chào hỏi các đại hiệp ấy, nhân để tìm xem ý chung của huynh đệ thế nào, tuy mình là lớn nhưng cũng phải có lễ đối với huynh đệ ấy chứ ?

Đỗ Trương vui mừng, nói lớn tiếng.

― Nếu vậy thì còn gì bằng, Hưng nhi thật là giỏi thiệt.

Phùng Hưng gật đầu tỏ ý vâng lời, ngừng một lúc rồi gọi lớn, thanh âm vang di từ xa vẫn còn nghe rõ ràng:

― Tệ huynh mời quý hiền đệ muội qua thuyền tức khắc.

Sáu bóng thân thủ nhanh nhẹn, phi thân từ xa đứng trên thuyền tay cầm kiếm trang nghiêm lạnh lùng, hỏi :

― Đại huynh gọi chúng đệ có việc gì vậy ?

Phùng Hưng trầm ngâm suy nghĩ, tìm lời giới thiệu cùng quý thúc thúc và lục đệ muội của mình, về nguyên nhân trong gia đạo.

Chàng nói thanh âm ôn hòa rất khác thường :

― Hôm nay là ngày đại hỷ, xin giới thiệu đây là quý thúc thúc của tệ huynh như Nguyễn Thành Trung, Lê Bình, Trần Đông, Đỗ Trương, từ thành Bạch Đế xuất chinh đi qua đây, trong đêm tối, vô tình tệ huynh cùng quý thúc thúc chạm nhau, đao kiếm qua lại vài mươi chiêu mới biết là người nhà, sự hội ngộ quá bất ngờ, lòng xúc động đánh thức tệ huynh nhớ lại đã nhiều năm không hồi hương, nhân dịp nay tệ huynh biết được cả nhà vẫn bình an, cùng lúc có gia biến khó xử trí, tệ huynh nghĩ ngay mời lục đệ muội như Lữ Trường Gia, Lê Trung Kha, Mạc Thu Tá, Hoàng Quốc Kỳ, Trịnh Đình Thao và muội Hoàng Tố Nguyệt để hội hợp nơi đây, nhằm giới thiệu cùng quý thúc thúc, xem đây là cuộc hội ngộ gia quyến của tệ huynh.

Tất cả thất Hoàng Đức đồng quì xuống, thi lễ ra mắt quý thúc thúc, Phùng Hưng nói :

― Thưa quý thúc thúc kính xin chuyển lời vấn an gia gia, mẫu thân của đại huynh. Phùng Hưng xúc động nói tiếp :– Tệ huynh có lỗi với quý huynh đệ xin tha thứ nhá, vì công việc chung mà quên việc nhà, hy vọng một ngày gần đây huynh đệ Hoàng Đức đồng thăm viếng gia quyến. Chàng nghĩ đến thúc thúc Nguyễn Hồng lòng xót xa nói tiếp :– Hiện nay tệ huynh có một việc gia biến, nguyên do thúc thúc của tệ huynh, tên là Nguyễn Hồng làm phản Bách Việt, cho nên gia gia tệ huynh trao quyền cho quý thúc thúc xuất binh mã phế thúc thúc Nguyễn Hồng, tệ huynh rất khổ sở không biết phải trừ khử thế nào ! Nay mạo muội nhờ lục đệ muội ra tay, nếu bắt sống được càng tốt, không thể để cá lọt lưới, còn như cá bị lọt lưới thì có tệ huynh, quý thúc thúc bao vây mặt hậu, nói chung thúc thúc Nguyễn Hồng không chạy thoát.

Trịnh Đình Thao gật đầu đồng ý :

― Lục đệ muội Hoàng Đức kính vâng lời đại huynh, việc này nhất định phải thành công, đại huynh cùng quý thúc thúc an tâm.

Trịnh Đình Thao cá tính nhạy bén về tình cảm :

― Xưa nay lục huynh đệ không nghe đại huynh nói về thân thế, gia đạo, hôm nay biết được quả là rất ngạc nhiên vô cùng . Phải chi biết trước thì tốt hơn .

Phùng Hưng đành lòng phải giải thích :

― Lâu nay tệ huynh rất e ngại nói về cái ta cho người khác biết, vả lại nói ra sợ không có lợi, hay nhất là chờ dịp nào đó mới tiết lậu, quả nhiên chung thủy việc riêng tư cũng là thử thách, nay mọi sự đã trắng đen, tình huynh đệ đúng là cộng khổ mới biết thương nhau nhiều.

Tệ huynh xin hứa sau trận chiến, thay mặt cả gia đình mời quý hiền đệ muội về quê ra mắt gia gia, mẫu thân, cũng như thúc mẫu, sư huynh đệ của họ Phùng.

Nguyễn Thành Trung, Lê Bình, Trần Đông, Đỗ Trương, đồng một ý niệm. Thấy thất tiểu hiệp này sống tình sâu nghĩa nặng, chân thành đúng là tuổi thanh xuân ngày nay, cho nên những suy nghĩ của họ như nhau dù có thầm lặng cũng hiểu được ý hành động, họ là huynh đệ của Phùng Hưng, như một thời của huynh đệ Phùng Nam, vì thế mà huynh đệ Lê Bình mến mộ huynh đệ Phùng Hưng, tuy thất già gặp thất trẻ không khác nhau môi trường. Thất già xuất thân từ đồng môn, do sư tổ và sư phụ dưỡng dục. Còn thất trẻ là sự tập hợp của nhiều thành phần, thân thế khác nhau, về võ nghiệp lại vô sư, cung cách đối sử của thất trẻ trên hai chân lý "Chủng tộc da vàng đức độ vô biên" và "Hợp Việt Xuất Hán" là mục phiêu cùng nhau sống, tình thương được bồi đắp trên căn bản Bách Việt, như vậy sư phụ của huynh đệ Phùng Hưng phải là một nhân vật phi thường, lai lịch không phải nhỏ, người này đương nhiên võ học và thân thế lớn trong thiên hạ Bách Việt, người sư phụ này là ai ?

Lê Bình tỏ bày :

― Thất huynh đệ của mỗ nay cao niêm nhất là trên lục tứ tuần, còn thất huynh đệ Hoàng Đức chỉ tròn trèm đôi mươi, mỗ cảm phục võ học, trí đức, tình tự Bách Việt.

Huynh đệ của mỗ đặt hết niềm tin vào thất huynh đệ Hoàng Đức, hy vọng tình sâu nghĩa nặng khắc cốt ghi xương, mãi mãi trọng nghĩa tử sinh, từ nay huynh đệ Hoàng Đức là người một nhà, như cây cỏ có gốc có rễ, đó là lẽ tự nhiên cõi sống tình thông.
HuỳnhTâm



Chương 7
Võ Môn Lạc Việt Gọi Anh Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét