Anh Hùng Nam Việt - Chương Một ( Huỳnh Tâm )

Động Đình Thu Nguyệt, Nhớ Cố Hương

Ông cháu họ Hoàng khởi hành từ Giang Tô xuống Giang Nam, di chuyển bằng đường thủy, trên một chuyến thuyền buôn. Mục đích đến Giang Nam để ngược dòng lên Giang Bắc và một ý khác, đi Giao Chỉ nhằm thăm viếng một cánh gia tộc họ Hoàng, sau đó mua hai con hồng tuấn mã thuộc loại thần mã phi nhanh như gió, đi từ Giao Chỉ đến biên giới Việt˗Hán. Chính nơi đây khai thủy hai bờ biên giới, phía Nam sông Dương Tử có Động Đình Hồ thuộc lãnh thổ Nam Việt, phía Bắc có Bành Lãi Hồ thuộc đất thổ người Hán.
Hoàng lão hiệp, râu tóc bạc phơ như bông lau, bông sậy. Lão mặc áo lam bào dệt chữ Thọ bằng kim tuyến, đầu đội kim quan (mũ vàng), khoác bên ngoài chiếc áo chấn thủ bằng gấm đỏ và chiếc áo khinh cừu trắng như tuyết. Còn thằng cháu nội tuổi mười lăm, mặc áo bạch bào dệt mây cuốn bằng ngân tuyến, khoác áo ngự hàn bằng lông chụt bạch, đầu đội ngân quan (mũ bạc) có giát miếng ngọc thạch xanh biếc. Cổ cậu đeo vòng vàng gắn vào miếng huyết ngọc chạm con kỳ lân, chân đi giày gấm lam. Cậu khôi ngô với mi thanh mục tú, mũi dọc dừa, da tuy không trắng lắm nhưng hồng hào khỏe mạnh. Nhân chuyến đi này, cậu cũng muốn viếng luôn đất Kinh Châu, nơi ấy có bạn thơ ấu tên Trịnh Trường, vâng lịnh ông nội cậu giả làm tiểu nhị trong Kinh Bang Phạn Điếm để dò xét tình hình sinh hoạt của Việt tộc hiện sinh cư lập nghiệp bên hữu ngạn sông Dương Tử và phía Nam Động Đình Hồ.




Ông cháu họ Hoàng tạm trú tại Phong Lưu Tửu Lầu tọa lạc phía Tây Động Đình Hồ. Hồ này rộng lớn nhất Nam Việt, nước sâu xanh biếc, đường  kính hơn chín trăm dặm. Những bải cát dài bờ, người ta thường gọi là Biển Nội, mặt hồ thay đổi màu sắc từ sáng mờ sương lam đến đêm khuya. Cảnh vật đẹp trong ngày vào giờ khắc tà dương, khi ánh nắng sang qua giờ khắc tịch dương, hóa hiện ra như cảnh mộng, gọi hồn trữ tình cho thi nhân ít nhiều cảm xúc. Nhất là lúc hoàng hôn thì đúng là Tạo Hóa đã bày cho trần gian một cảnh thần tiên.

Tạo hóa cho Nam Việt một Động Đình Hồ, danh lam thắng cảnh đẹp bất hư truyền, cũng là một môi sinh ngư sản phong phú, ngoài ra còn có củ sen, củ ấu đặc sản nổi tiếng nhất Nam Việt.

Đời sống dân cư ở đây sung túc, ngư dân tập trung sống trên mặt hồ, lập hơn trăm làng chài, dân số đông hơn thành phố. Trung tâm hồ còn có một cù lao lớn chừng ba mươi dặm, người ta tặng mỹ danh Động Đình Tiên Đảo. Hồ này cũng là thủy lộ sinh tồn của sông Dương Tử.

Hoàng Hạc Lão Hiệp nhớ thời tuổi bốn mươi, lão là đại tướng quân tiền đạo, đánh đuổi quân xâm lăng Hán ra khỏi Động Đình Hồ. Quân Hán thua bỏ vũ khí, lấy xác chạy về bên hữu Bành Lãi Hồ, nhờ vậy mà ngày nay đất nước thanh bình, dân cư sinh hoạt rộn rịp, ghe thuyền tấp nập. Quả là đất thần kinh khai quốc Lạc Việt, như ngàn năm xưa bảo phú đã truyền trong di phổ Lĩnh Nam.

Hoàng Hạc dừng chân ở đây chờ những người con của mình đưa tin tức, để biết tình hình các biên trấn lân cận của thành Phiên Ngung. Họ sẽ về tham dự đại hội anh hùng Bách Việt.

Ông cháu lão đại hiệp bước vào Phong Lưu Tửu Lầu, chọn một chỗ ngồi khoảng khoác, nơi góc trái gần cửa sổ để ngắm cảnh biên cương cùng quê hương đất nước và thưởng ngoạn một góc vườn cây cảnh tô điểm khá nên thơ, nào là khóm tử trúc Nhật Nam, kỳ hoa Ngũ Lĩnh, cỏ Mao rẽ hai bờ Nam Bắc, chổ kia là kỳ thạch Động Đình Hồ, nuôi cá Huyền Cửu Chân, những mẫu đá khắc tượng nông gia đang làm việc ngoài đồng áng. Phía trong lại điểm thêm một thảo lư nho nhỏ gồm ba gian sắp theo hình chữ Nhất, mái lợp tranh, thực là u nhã. Có lẽ đây là mái ấm một gia đình Lạc Việt trong xã hội Bách Việt vào thuở thanh bình.

Ngoài trời phảng phất khí hậu cuối đông bước qua đầu xuân trên biên giới Nam Việt-Hán Quốc. Cảnh thanh bình tràn vào tâm hồn họ Hoàng man mác. Lão như đang lạc vào cõi mộng du. Sương tan loãng. Nắng dần lên cao, hạt sương mai vừa mới khô trên đầu ngọn cỏ, khởi đầu một ngày mới. Lão thầm suy nghĩ:– Nói chung tiền nhân truyền lại cho con dân Bách Việt một giang sơn hùng vĩ, quả là người xưa đáng thán phục vì các ngài có công dựng nước để cho đời sau thụ hưởng.

Chợt nghe bên đường vang dội những tiếng vù vù. Cát xa bốc cao, bụi bay mịt mù, cây nghiêng ngã, lá vàng rơi theo vó ngựa. Vèo vèo, những ngọn cỏ nghiêng theo chiều gió của người vội vã phi thân về hướng Nam. Lão thắc mắc:– Có phải họ đang trên đường về Phiên Ngung Thành chăng ? Nhưng những họ là ai ? Sao mà vội vã lắm vậy ?

Những xôn xao ấy tạo trong lòng ông rộn ràng không ít, đưa ông về hoài niệm tình tự dân tộc, mà nó đã từng bồi dày theo tuổi ngoài tám mươi. Mỗi khi lão được lệnh Nam Việt Vũ Đế triệu về Thương Ngô thành để bàn bạc việc quân cơ để xua quân Hán ra khỏi bờ cõi Nam Việt. Lòng lão lại càng thương nhớ quê cha đất tổ, nhất là hồi tưởng thuở tuổi mười hai phải theo ông cha xa quê hương lập nghiệp ở xứ người, tận mãi đất Luy Lâu. Thành Luy Lâu là thủ phủ đất Giao Chỉ. Muốn đến Thương Ngô phải trải qua Hợp Phố về phía Đông. Mùa hè năm ngoái hai ông cháu định đi viếng đất Mê Linh thuộc về hướng Tây Bắc của Luy Lâu. Nơi đây có phong cành đẹp, có sông Thao, sông Đáy, sông Đà. Phía Đông Bắc có núi Tãn Viên, ở Đông Nam, có núi Tam Đảo. Muốn đến đất Mê Linh phải trải qua thành Tây Vu và thành Cổ Loa, toàn là danh lam thắng tích, toàn là sơn thanh thủy tú.

Giao Châu một cõi địa linh nhân kiệt, lại có nhiều trân cam giai nhục. Những cánh rừng đào ở vùng cao nguyên từ đầu xuân qua cuối hạ trổ hoa tươi trái ngọt. Đất Lĩnh Nam có trái vải ngon nổi tiếng. Vùng châu thổ vào mùa lúa chín có loại chim ngói thịt ngon xương giòn. Nơi khúc Việt Trì của sông Hồng trước khi nước đổ ra biển có loài cá anh vũ, một loại cá chép thịt béo hơn thịt cá chép ở Động Đình Hồ. Nhưng hai ông cháu họ Hoàng thích làm việc nước, thường ngao du đó đây để giao du và kết nghĩa các bậc hào kiệt ái quốc.

Từ Thương Ngô, hai ông cháu đến Trường Sa và đến phía Nam Động Đình Hồ. Bấy giờ là vào tiết xuân phân, liễu xanh đào hồng tưng bừng phô sắc. Hoa mẫu đơn, hoa trà mi, hoa cẩm chướng, hoa phong lữ thảo dệt gấm trong các hoa viên của những nhà quý tộc. Khí dương xuân ấm áp trong ánh thiều quang sáng lạng.

Bỗng có tiếng vó ngựa chầm chậm, bước chân vang lên trên quan lộ như gọi lão về thực tại. Lão vội phóng vào vách cửa gỗ bên ngoài một mũi Bạch Thiết Châm  (kim châm bằng thiết trắng) làm ám hiệu nơi ông tạm trú, rồi tay ngoắt, miệng gọi tửu bảo : ― Tửu bảo, cho lão một bầu rượu Mạt Lỵ Hương Tửu  (rượu ướp hương hoa lài) năm chỉ và sáu cái bánh bao nhồi bào ngư và trứng cút. Còn nữa, nhờ các hạ chuẩn bị cho lão ba phòng trọ gần nhau.

Tửu bảo khom lưng, khoanh tay trước ngược, lễ phép đáp : ― Dạ, thưa khách quan, chờ tại hạ một khoảnh khắc sẽ đem rượu, bánh bao ra liền. Riêng ba phòng trọ, tại hạ lo liệu có ngay, xin khách quan an tâm.




Lúc này có nhiều người khách cũng vào lữ điếm, có thêm bảy người, năm nam và một nữ. Nam vận y phục đen, lưng thắt lụa vàng, chân đi giày đen thêu hổ phù, còn nữ mặc áo chẽn màu hồng đào, khoác áo ngự hàn bằng nhiễu đỏ nhồi bông thêu hồ điệp xuyên vân (bướm luồn mây), tóc cài chiếc kim thoa giắt trân châu. Cả bảy ngồi chung quanh một chiếc bàn cách bàn hai ông cháu họ Hoàng mười thước. Khi ngồi vào bàn, cô nữ hiệp cổi áo ngự hàn ra, bày chiếc kiềng bằng vàng sáng loáng đeo trên cổ và cặp vòng ngọc phỉ thúy đeo ở hai cườm tay. Loại ngọc này xanh biêng biếc, đẹp và quý giá như ngọc thạch hoàng gia .

Tửu Bảo thứ hai chạy đến mời : ― Thưa quí vị khách quan dùng chi ? 

Một trong bảy người khách ưỡn ngực ra tỏ vẻ anh lớn trong cõi giang hồ, gọi : ― Nào, hãy lấy cho bọn ta ba cân rượu Sâm Nhung Mỹ Tửu (rượu ngon có pha sâm nhung), bảy dĩa mì xào hải sản và bảy cái bánh bao nhồi bào ngư vi cá ra đây.

Tửu bảo khom lưng, trả lời : ― Khách quan chờ một khắc, không lâu tại hạ sẽ đem ra liền.

Tửu bảo thứ nhất đem rượu, bánh bao đến bàn ông cháu họ Hoàng, ông lấy tiền ra trả cho tửu bảo và tặng hắn thêm hai hào. Tửu bảo mừng vui đa tạ : ― Tửu bảo xin đa tạ khách quan, chúc khách quan thưởng thức bánh bao nhân thập cẩm, món đặc sản của Phong Lưu Tửu Lầu, hy vọng khách quan hài lòng.

Họ Hoàng chưa kịp uống rượu, còn người cháu cũng chưa kịp ăn bánh bao thì bỗng nhiên có một kình lực từ bàn bảy người lạ mặt phát ra. Một tấm vải đen "vút vút" với nội công khá mạnh bay đến, rồi chuyển hướng thành vòng cung hớt lấy rượu, bánh bao, sau cùng, tấm vải bay trở về bàn bọn khách lạ, đem theo rượu, bánh bao rơi nhẹ xuống bàn của họ. Họ cười khúc khích rồi lớn tiếng "ha hả", có vẻ thích thú vô cùng. Cô nữ hiệp nhoẽn nụ cười trên cặp môi hồng đào, mời : ― Nào quí huynh đệ, hãy uống rượu, ăn bánh bao tự nhiên, không phải trả tiền.

Một người trẻ trong bọn nói theo : ― Ông lão kia đã trả tiền cho huynh đệ ta rồi. Nào thuận nước đẩy thuyền. Xin uống rượu rong chơi, ăn bánh bao miễn phí, chắc chắn thú vị lắm.   

Một trong thất khách nói : ― Đại huynh, rượu ít quá không đủ uống, phải bảy lần rượu như thế này thì mới đủ năm cân.

Người lớn tuổi khuyên : ― Tiểu đệ cứ từ từ mà uống, hôm nay là ngày huynh đệ ta sẽ uống hơn năm cân rượu đấy.

Tửu bảo thấy bảy ông khách quan này chính là huynh đệ trong Phùng Điền Bang chuyên hành nghề giao dịch, từ Quế Lâm, Nam Hải, Côn Minh, đến Trường Sa. Riêng tại Động Đình hồ họ cũng có một trạm giao dịch. Thiên hạ đồn rằng họ giao dịch hằng chuyến, luôn cả hộ vệ đám tang đám cưới họ cũng nhận tổ chức từ đầu tới đuôi, không từ chối một thứ hàng nào, miễn có tiền là được. Đôi khi họ hành động như kẻ cướp, muốn lấy vật gì của ai không cần thưa, hỏi trước .

Ông cháu họ Hoàng tuy thấy cường đạo hành động vô lễ, nhưng vẫn bình thản, không phản ứng một thái độ nào. Lão tiếp tục gọi tửu bảo : ― Tửu bảo lại đây, hãy xem như lão đã trả tiền cho bảy bạn trẻ kia vậy, bây giờ cho lão thêm một phần rượu, bánh bao nữa nhé. Cũng xin đem bình trà Vữu Lĩnh Mai  (mai trên núi Vữu Lĩnh) cho thằng cháu lão giải khát.

Tửu bảo khoanh tay miệng lưỡi ấp úng, nói nhỏ đủ để cho lão hiệp khách nghe : ― Thưa khách quan hãy cẩn thận, mình nên giữ người đừng giữ của.

Một lúc sau tửu bảo đem thức ăn thức uống ra lần thứ hai, Hoàng Phi Bằng, tên người cháu nội nhanh nhẹn xuất chiêu vào bánh bao, rồi đưa tay lên gãi đầu. Tiếp theo, một tên trẻ khác trong bọn xuất chiêu lấy rượu và bánh như lần trước. Cả hai tửu bảo đều thấy ông cháu họ Hoàng không phản ứng.

Ông lão họ Hoàng lại tiếp tục gọi rượu, bánh bao như hai lần trước, lão nói nhỏ chỉ để cho đủ tửu bảo nghe : ― Sau khi những người khách quan bàn bên kia ăn no nê, thì các hạ đem rượu, bánh bao ra cho tại hạ nhé.

Tửu bảo thấy hai ông cháu này người hiền lành, đem lòng cảm kích. Anh ta liền nói nhỏ để ông già nghe : ― Xin thưa, lão tiền bối đừng để tâm đến họ, xem như hôm nay không có việc gì xảy ra. Có như thế mới an toàn cho khách quan. Thưa khách quan, ở vùng này có một trạm giao dịch tên là Phùng Điền Bang. Họ có nhiều thế lực nên ỷ mạnh hiếp yếu. Hôm nay khách quan không được vui vì gặp phải Bang trưởng của Phùng Điền Bang, bảy người này ít xuất hiện ở đây. Ngoài ra còn có Hán khấu như Hồng Kỳ, Hồ Kỳ, họ thường đến đây cướp phá, quấy nhiễu, mỗi đảng Hán khấu có trên ngàn đảng viên, hai đảng này phần đông là người ở Hợp Phố, Nam Hải, Kinh Châu được nhà Hán đứng sau lưng bao che. Cho nên cứ thế mà họ lộng hành, xem vùng hồ Động Đình như trên đất Hán. Thế lực của họ lớn lắm, họ thường vượt sông Dương Tử vào hồ Động Đình để cướp bóc tài sản của lê dân. Lại nữa, tại đất Trường Sa này có đảng mãi quốc cầu vinh, thế lực của họ kỳ quái lắm. Họ như bóng ma, khi ẩn khi hiện để giết người. Ngoài ra có vài tổ chức kinh doanh lấy giang hồ làm thế lực, tranh giành thương trường để mua đi bán lại  rượu, tơ lụa, thực phẩm, gia súc, ngư sản, lâm sản, thổ sản và các đặc sản khác và còn có những quan tham nhũng tiếp tay làm khổ dân.

Hán khấu giết người như nhổ cỏ, chính Phong Lưu Tửu Lầu này cũng phải đóng hụi chết cho các tổ chức đen ấy. Tuy Động Đình hồ này có ngài Tổng phủ Cao Hổng Tiên thật tình ra sức lo lắng cho dân, thế mà khổ thay, dù có chặt đầu thằng cướp này thì đầu thằng khác mọc ra càng tinh vi hơn, không thể nào tiêu diệt hết bọn gian ác cho được. Hy vọng ngày sau, nếu có dịp tửu bảo này sẽ tiêu diệt hết bọn tham ô, ăn cướp. Chính bọn họ phá hoại xã hội và đục khoét dần tinh thần nhân bản, độc lập của dân Bách Việt ta.

Lão họ Hoàng từ khi vào Phong Lưu Tửu Lầu cho đến giờ không nói một lời nào. Lão thừa biết Động Đình hồ đang có vẻ thanh bình thịnh vượng, nhưng cũng có mặt trái của nó trong xã hội ngày nay. Lão thở dài nói : ― Lão thấy các hạ trẻ tuổi mà đã có lòng thương thiên hạ như cốt nhục, lại cũng có khí tiết. Rồi đây, các hạ sẽ có ngày lập cơ nghiệp lớn. Hôm nay mỗ rất hài lòng gặp được kẻ đồng tâm đồng điệu. Ông nói tiếp:– Nhưng rất tiếc, tiêu diệt người Hán thì không khó, trái lại diệt người trong nhà mới là nan vấn ! Hay nhất là phải có chước thuật xã hội dung hòa, có thế mới mong giải nạn trong nhà !

Ông vừa nói đến đây thì nghe bảy tên Phùng Điền bang há miệng cổ ngẩng, cao quát lớn  "ớ ớ", nhưng bọn chúng không sao nói ra lời. Thực khách cùng ẩm khách trong Phong Lưu Tửu Lầu  hoảng hốt. Có người nói : ― Miệng của huynh đệ Phùng Điền Bang không ngậm lại được; thế là nguy to, không chừng vạ lây đến chúng ta. Phải tránh họ thì hơn !

Tất cả cùng một suy nghĩ:– Chuyện gì đến với bọn giặc nọ ? Tại sao họ lại hoảng hốt ? Một ẩm khách trong Phong Lưu Tửu Lầu nói nhỏ với nhưng người ngồi cùng bàn : ― Ôi thôi nguy lắm rồi ! Tất cả chúng ta hãy từ từ rút lui ra khỏi nơi đây là vừa.

Phùng Điền Bang gọi tửu bảo, tuy nói không ra lời, nhưng để tâm đe dọa mọi người trong Phong Lưu Tửu Lầu, ông lão họ Hoàng biết đây là do Phi Bằng nhi của ông muốn cảnh cáo thất nhân kia, khi Hoàng Phi Bằng đưa tay lên gãi đầu thì lúc ấy bảy mũi Bạch Thiết Châm phóng dựng đứng vào những cái bánh bao, người ăn phải bị hai đầu Bạch Thiết Châm đâm thủng xuyên qua hàm trên hàm dưới và lưỡi. Như vậy, họ khó mà nói được, máu từ miệng của họ chảy lưa thưa như trời mưa sắp tạnh.

Tất cả khách quan trong Phong Lưu Tửu Lầu kinh hãi, không một ai biết danh thủ nào ra tay, ai cũng sợ xanh mặt. Họ tự biết thân phận mình mỏng manh như cánh chuồn chuồn, không phải là đối thủ Phùng Điền Bang, đành bỏ lại những ly rượu, thức ăn còn dang dở, tự rút lui để giữ thân, tự động chuồn đi mau. Ai nấy rời khỏi bàn. Thôi thì đành vậy "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Hai ông cháu họ Hoàng vẫn ngồi tại bàn ung dung ăn uống. Bỏ mặc chuyện đời thế sự chung quanh.

Ông lão đưa bầu rượu lên uống khen : ― Rượu ở đây thơm hương vị nhân sâm nhục quế đúng là rượu miền Trường Sơn, Âu Lạc.

Người cháu khoan thai ăn bánh bao cũng khen : ― Nội tổ à, bánh bao ở đây có hương vị nấm Mân Việt (Trường Sa), thịt heo Điền Việt (Tượng Quận). Bánh bao này không thua gì bánh bao tuyệt hảo do mẫu thân của cháu làm ra rất hợp khẩu vị người Hoa Bắc. Xin nội tổ ăn thử bánh bao ở đây có đúng như nhận xét của cháu không ?

Bọn Phùng Điền Bang đứng lên, phi thân đến bàn của ông cháu họ Hoàng, tay múa, chân đá chỉ vào miệng ra dấu "ớ ớ", thở hổn hển từng chập.

Trong bọn có đứa bị kim ghim ngoài môi, thương tích nhẹ hơn, hỏi : ― Có phải lão trượng và tiểu hiệp hại huynh đệ tại hạ chăng ? Một gìa một trẻ kia từ đâu đến ? Xin hỏi lão trượng phương danh quý tính là chi ? Thuộc danh môn, võ phái nào, ở địa phương này hay là quí vị từ đâu đến ?

Ông lão họ Hoàng nhỏ nhẹ trả lời : ― Thưa quí huynh đài, lão đây họ Hoàng tên Hạc, đến từ thành Phiên Ngung. Còn đây là cháu nội của lão tên là Hoàng Phi Bằng. Năm nay lão đã ngoài tám mươi thì giờ đâu mà để tâm đùa với quí huynh đài chứ.

Trong bọn Thất Phùng Điền Bang có đứa hầm hừ  kêu lên : ― Có phải thằng lỏi họ Hoàng tên Phi Bằng này chăng ? Mi hại huynh đệ bọn ta chứ gì ?

Hoàng Phi Bằng ngẩng đầu lên, ra vẻ tôn kính : ― Thưa quí đại hiệp, tôi hãy còn là một trẻ con, mới lên mười lăm thì làm gì biết hại người ? Lại nữa quí đại huynh võ công phi phàm, nội lực bạt gió như thế này thì ai mà qua mắt được.

Bọn Phùng Điền bang suy nghĩ : ― Ừ nhỉ, lão gìa đã ngoài tám mươi tuổi sức đã mòn, tính mạng sắp đến ngày tận thế. Còn thằng lỏi kia cũng thế, chỉ mới lên mười lăm thì làm gì có nội lực uyên thâm ? Như vậy ai là người phóng kim vào miệng của huynh đệ chúng ta ? Hung thủ là ai mà không thấy xuất hiện, để xem bản lãnh như thế nào ?




Một trong bảy đồng đảng "ớ ớ", lấy hết sức la lớn : ― Mời anh hùng xuất hiện, huynh đệ tại hạ xin nghinh tiếp hậu đãi.  

Không một tiếng người nào xuất hiện, không khí trong Phong Lưu Tửu Lầu lặng ngắt như tờ, bọn Phùng Điền Bang tinh thần bấn loạn, thần trí hoang mang, mặt mày biến sắc, trán đã rịn mồ hôi hột. Trước mặt chúng, hai ông cháu Hoàng Hạc, Hoàng Phi Bằng vẫn tiếp tục uống hết bầu rượu và bánh bao, sắp sửa rời khỏi bàn.

Hoàng Hạc gọi tửu bảo : ― Tửu bảo, cho chúng tôi tiếp nhận hai phòng trọ.

Hai ông cháu cùng theo tửu bảo lên trên lầu. Dưới lầu chỉ còn lác đác vài khách quan hiếu kỳ. Bọn Phùng Điền chân đá tay múa lung tung, rồi thọc tay vào miệng gỡ cây bạch thiết châm nhưng càng gỡ thì kim lại càng lún sâu vào thịt làm chúng vô cùng đau buốt. Miệng đã hả ra gần hai khắc, cả xương quai hàm cũng bị ê ẩm, mỏi càng thêm tê. Họ xem đây là một cuộc tra tấn để báo thù và họ tự hỏi kẻ nào ở trong bóng tối hại mình đây ? Thời gian trôi qua mà vẫn không thấy địch thủ xuất hiện.

Huynh đệ Phùng Điền Bang, lúc này đã biết khiếp sợ địch thủ không tên tuổi, hình bóng. Cả bảy phi thân ra khỏi Phong Lưu Tửu Lầu đi tìm đại phu chữa trị.

Hoàng Hạc tuy trong lòng để tâm khen Hoàng Phi Bằng, nhưng không hài lòng thủ pháp phóng Bạch Thiết Châm quá độc địa.

Ông dịu dàng có ý trách một khuyến khích hai, rồi mỉm cười nói : ― Này Phi Bằng nhi, thủ pháp cháu khá lắm. Nhưng nội công cháu rất kém cỏi. Tuy cư xử với bọn họ như vậy rất đích đáng, nhưng chưa phải là tuyệt chiêu của danh môn bản phái nhà ta. Bây giờ Phi Bằng nhi hãy xem nội tổ phóng mười hai mũi Bạch Thiết Châm vào cây hồng lạp thành chữ Hoàng Phi Bằng. Vậy cháu hãy đến đấy mà xem cây hồng lạp thế nào ?

Lão hiệp trổ tài xong, Hoàng Phi Bằng tấm tắc : ― Thưa nội tổ, chiêu pháp hay quá, như vậy nội tổ phóng kim châm vào lúc nào mà cháu không thấy ?

Lão hiệp giả thích : ― Khi nãy, bàn tay tổ phụ vuốt chòm râu là phóng luôn Bạch Thiết Châm thay vì cháu gãi đầu. Nếu như người có võ học kỳ tài thì đã biết điệt Phi Bằng là địch thủ. Lại nữa, cháu gãi đầu không được tự nhiên, đó là cử chỉ sơ hở, không khác nào báo tin cho họ biết hành động của mình ! Vậy từ đây Phi Bằng nhi phải cẩn thận. ― Thưa nội tổ, cháu đã hiểu rồi. Còn mười hai mũi Bạch Thiết Châm của nội tổ phóng ra thế nào mà lại êm ru vậy ?

Lão hiệp giả thích thêm : ― Khi ta phóng Bạch Thiết Châm ra thì phải dùng nội lực đẩy mạnh vào trong kim châm. Nhớ đừng để nội lực phát ra âm thanh, phóng ra sao cho nhanh nhẹn mà vẫn không có tiếng gió, lại phải giữ sao cho ngọn hồng lạp vẫn không rung động, đó là võ học Bạch Thiết Châm của nhà ta vậy.

Hoàng Phi Bằng ngạc nhiên lần đầu tiên thấy thủ pháp của nội tổ mình, cậu bé ngơ ngác ở điểm vận nội lực vào kim châm. ― Thưa nội tổ, hài nhi có thể học được thủ pháp này không ? và nội lực của hài nhi bao giờ sẽ được như tổ phụ ?

Hoàng Hạc dáng điệu ung dung mỉm cười : ― Cháu an tâm, nội tổ sẽ dạy cháu về nội công, thức biến, từ căn bản thì không bao lâu cháu sẽ vận dụng thủ pháp cũng như ta. Thôi, ông cháu ta hãy cùng luyện nội công; nhớ định thần xong, hãy nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe. Bây giờ, cháu hãy ngồi tĩnh tọa vô tâm, lòng phóng tạp niệm, mở cửa Nê Hoàn Cung hấp thụ Dương khí bên ngoài, chuyển vào cửa Nê Hoàn Cung, dụng thần kinh chuyển khí Dương đến "Đại truy" chuyển trở lại Nê Hoàn Cung thành khí Âm xuất ra ngoài như nước chảy từ từ; cả thân thể ấm áp là đi vào giấc nồng.

Ông cháu Hoàng Hạc ngủ ngồi một lúc hơn hai phần ba canh giờ, tinh thần sảng khoái, nội lực phong phú, xem như lộ trình đã đi qua từ Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Bắc vào biên giới Bách Việt đã hai mươi bảy ngày không cánh mà bay mất.

Hoàng Hạc nhớ lại, trên lộ trình đã đi qua bất cứ địa phương nào có cộng đồng dân Bách Việt, thì hai ông cháu vào tạm trú một hay hai ngày, mục đích đàm đạo với họ về đại sự Nam Việt, nhân tiện đề cử người tiếp nhận lệnh bài tham dự đại hội anh hùng Bách Việt.

Còn hôm nay ở đây là Trường Sa. Cả hai ông cháu cũng đến lúc chuẩn bị đi thành Nhạc Dương thăm viếng những nghĩa hiệp năm xưa, như Quản Lộc đại phu La Đức ngoại hiệu Hiền Nhân Thiên Phủ, Phi Đình Hầu tướng quân Chu Thông Được ngoại hiệu Trí Phù Nguyệt Đồng, Phiêu kỵ tướng quân Tô Trang Khang ngoại hiệu Trường Thanh Hoa Pháp, đạo sĩ Trần Mạnh Côn ngoại hiệu Đạo Hầu Chân Nhơn, Thái úy Đinh Thành Châu ngoại hiệu Bạch Vân Tiêu Sầu, đạo sĩ Trần Thượng Độ ngoại hiệu  Cố Đạo Trưởng Hiền.

Hoàng Hạc chưa kịp lên đường thì Phùng Điền Bang trở lại Phong Lưu Tửu Lầu để tìm hai ông cháu họ Hoàng. Bọn họ nhất quyết khẳng định chính địch thủ là lão già, vì hai phần rượu cùng bánh bao điểm tâm khi sáng bị họ cướp lấy, thế mà ông lão vẫn ung dung không phản ứng, quả thực đây là cao thủ.

Lúc này Phong Lưu Tửu Lầu đông khách quan đến ăn uống náo nhiệt khách quan ngạc nhiên thấy bảy tên Phùng Điền Bang hổn hển, miệng phù đỏ ối như trái gấc, tay chỉ lia lịa, miệng "ớ ớ" hỏi tửu bảo : ― Tiên sinh họ Hoàng còn ở đây không ?

Trên lầu có tiếng cửa phòng kẽo kẹt. Hoàng Hạc ở trong phòng ngẩng đầu ra trả lời : ― Có lão đây, quí huynh đài gọi mỗ có chuyện chi thế ?

Bảy người phi thân lên cửa phòng, Hoàng Hạc vẫn đứng bình thản trước mặt huynh đệ Phùng Điền Bang, cả bảy người lộ vẻ lo lắng, sợ hãi vì họ chưa bao giờ gặp uy lực như lão họ Hoàng. Riêng Hoàng Hạc cũng biết bọn này võ học hãy còn kém cỏi lắm, nếu đem võ công và nội lực ra tỷ đấu luận anh hùng thì tài nghệ Hoàng Phi Bằng vượt cao hơn họ trên một cái đầu.

Hoàng Hạc bao giờ cũng ung dung là vì tính người trầm tĩnh, không hiếu chiến, không bao giờ gây sự với ai. Hôm nay Phùng Điền bang tự hạ mình đem thân đến nhờ người, mới nói nhỏ nhẹ như thế, xem như họ đã biết người biết ta : ― Thưa tiên sinh, bảy huynh đệ tại hạ đã phạm thượng, xin tiên sinh ân xá cho huynh đệ tại hạ một dịp cuối cùng, vì chúng tôi có mắt mà không thấy Thái Sơn Bắc Đẩu cho nên phạm lỗi lầm này. Kính mong tiền bối tha thứ.

Hoàng Hạc suy nghĩ:– Bảy tên trẻ này có nhân nghĩa chi đâu mà gọi ta bằng tiền bối hay bằng tiên sinh ! đôi mắt hiền hòa của ông quét nhẹ qua bảy người trẻ trước mặt, nhưng mang theo một nội lực nhu để thăm dò, rồi liền đáp : ― Thưa quí huynh đài, lão không đích thân làm như vậy, nhưng mỗ giới thiệu quí huynh đài với thằng cháu Hoàng Phi Bằng của lão. Đương sự có thể hoá giải được độc châm cho quí huynh đài. Hoàng Hạc quay qua Hoàng Phi Bằng hỏi:– Phi Bằng nhi đến đây, ta có việc cần đến cháu. ― Thưa nội tổ, có cháu đây.

Hoàng Hạc đưa tay chỉ bảy người trẻ và nói : ― Cháu hãy hoá giải bệnh kỳ lạ cho quí huynh đài này nhá ?

Hoàng Phi Bằng cung kính thi lễ, cúi đầu xá ông nội : ― Dạ, xin vâng lời nội tổ. Tại hạ kính chào quí đại hiệp, bệnh hả miệng chưa hết à ? Thôi được, để tại hạ thử hoá giải xem có linh nghiệm không ?

Các huynh đệ Phùng Điền nghe Hoàng Phi Bằng nói vậy cũng phải đành liều vâng lệnh, tuy trong lòng không chắc gì hết cơn nguy hiểm, chỉ còn cầu may ! Hoàng Phi Bằng đã có chủ ý: – "thù bớt một giảm hai" để cho cả bọn nhận ân phúc của ta.

Tuy đã nghĩ thế, cậu còn tỏ vẻ ngần ngại nói : ― Thưa quí đại huynh, nhưng mà tại hạ không bảo đảm lắm vì y thuật trị liệu của tại hạ còn kém. Hoàng Phi Bằng thoang thoáng suy nghĩ, nói tiếp: – Thôi được, mời quí đại huynh vào phòng để tại hạ giải bệnh cho.

Cả bọn đi theo vào phòng, mà chân trong chân ngoài, đôi mắt của họ ngó nhau, xem ra lòng lo ngại, cũng có thể hoàn toàn không tin một đại phu trẻ con, miệng hãy còn hôi sữa mẹ.

Hoàng Phi Bằng hiểu ý của bọn chúng, liền nói khích : ― Quí đại huynh không lầm lẫn nhĩ thức đâu, cũng như đôi mắt cần phải thân thiện với tiểu phu chứ, đừng lo ngại nữa. Nếu nhĩ thức và mắt không tốt xem ra chẳng có gì quan trọng, nhưng cái miệng của tại hạ không tốt đó là mang phiền phức vào bản thân này. Sao quí huynh không tin à ? Hãy đến đây tĩnh tọa thì có kết quả không sai ?

Tất cả tự động vâng lời theo tiếng nói của người có sức mạnh quyền biến. Hoàng Phi Bằng nhẹ giọng, nói tiếp : ― Quí đại huynh ngồi xuống sàn nhà, theo hàng ngang tư thế kiết già, tinh thần tập trung phóng tâm, tại hạ bắt đầu xem kinh mạch mà chữa trị.

Thất nhân ngồi xuống, tay trái Hoàng Phi Bằng điểm vào huyệt Nê Hoàn Cung gọi là một dương, tay phải điểm xuống huyệt Đại Thủy gọi là một âm, chữa trị theo thứ tự cho từng người một.

Tất cả bọn họ không ai biết phép lạ nào, cây bạch thiết châm biến mất. Bảy bộ hàm của huynh đệ Phùng Điền bang, vang lên thành tiếng "cụp cụp", quai hàm trong miệng trở lại bình thường, tuyến mạch được thông, bọn Phùng Điền bang có cảm giác thân thể như gió lộng cánh buồm, thuyền chạy lướt trên mặt biển, tâm thần sảng khoái bay bổng, máu hết chảy, miệng đã êm êm, bọn họ đồng khen: ― Quả là tiểu hiệp có y thuật kỳ diệu.

Cả bảy người vội vàng sụp thân xuống sàn nhà lạy tạ ơn Hoàng Phi Bằng : ― Chúng tại hạ, xin đa tạ tiểu hiệp đã cứu thương tích, không biết đền đáp cách nào cho vừa. Ân công tuổi trẻ mà đã phi thường, đúng là quán thế kỳ nhân sinh. Thưa tiểu hiệp, như vậy cây kim sắt nhỏ nhọn hoắc ấy là vật gì vậy ? Hiện giờ chúng đã bay ra ngoài miệng hay còn trong người ?

Câu hỏi bất ngờ Hoàng Phi Bằng không tài nào ứng biến trước được, vội suy nghĩ: – Ờ, câu hỏi này cũng hay lắm, mình hãy tìm lời nói khéo léo để buộc trói chúng lại, không cho chúng hành nghề bất lương thì hay hơn. Thôi thì vô tình mình tạo ra tình tâm giao với họ. Cậu mỉm cười đáp : ― Thưa quí đại huynh, trước hết tại hạ gửi mỗi huynh một hộp gia y Hoàng Hổ, thoa vào nơi đang ê ẩm, chỉ một thoáng qua thôi thì linh nghiệm ngay. Tại hạ biết cây kim hai đầu nhọn hoắt, hiện vẫn còn ở trong người của quí đại huynh, nó có thể vào kinh mạch, nếu vận dụng nội lực hay võ công thì mạch máu sẽ di chuyển kim vào các đại huyệt đạo, cuối cùng nguy hiểm nhất là vào tim. Nói chung tuổi thọ của quí vị còn tùy thuộc sinh hoạt của mỗi ngày. Vậy mỗi năm, cùng hẹn nhau đến quê hương tạ hạ để nhận thuốc tạm giải.

Tất cả bọn Phùng Điền Bang đồng thở dài, sắc mặt buồn hiu. Chúng nghĩ rắng:– mình tuy khỏi đau nhói cái miệng, nhưng không thoát sống cái thân. Bây giờ đi ăn cướp không được nữa, muốn đi tu để thành đạo cốt tiên nhơn cũng không sống được bao lâu. Quả là thời gian sắp tới đây, xem ra đã chuẩn bị với đôi chân, hẹn ngày không xa bước xuống mồ. Phùng Điền Bang giờ đây trở thành tàn phế nội công, đành phải sống thân hiền cho trọn vẹn với thế gian ! Người trưởng huynh hỏi Hoàng Hạc Lão Hiệp : ― Bạch tiên sinh, các huynh đệ tại hạ được sống như thế này là nhờ lệnh tôn của tiên sinh ra tay cứu độ. Chúng huynh đệ không biết lấy gì để báo đáp ân công, chúng huynh đệ tại hạ xin tặng hết sản nghiệp của toàn thể huynh đệ Phùng Điền bang, hiện có hơn hai trăm nhân khẩu xin theo hầu hạ tiên sinh và tiểu hiệp. Chúng tại hạ từ nay nguyện bỏ nghiệp giao dịch bất lương. Hôm nay, Phùng Điền bang chúng tôi có đôi lời tự hối cải với tiên sinh. Thực sự mặt trái chúng huynh đệ tại hạ hành nghề ăn cướp, nhân hôm nay xin cạn lời cùng lão anh hùng, cũng như tiểu hiệp đã từng biết ít nhiều về sinh hoạt của chúng tôi. Nếu mai sau chúng tôi có tái phạm thì dẫu có bị mệnh hệ như thế nào cũng không còn gì để ân hận !

Một thành viên lớn tuổi nhất trong Phùng Điền bang, bỗng hớn hở lớn tiếng : ― Hay lắm ! Tiên dược Hoàng Hổ linh nghiệm thật ! Cảm ơn Hoàng Lão anh hùng và Hoàng Tiểu Hiệp. Tại hạ tên họ là Phùng Hưng, hôm nay kính xin cả hai tiên sinh, tiếp nhận ba lạy, thay cho lời cam kết của thất huynh đệ tại hạ, hứa đem thân này hầu hạ dưới trướng của nhị vị. Nhân đây xin giới thiệu, tại hạ chính là tổng bang chủ Phùng Điền, người này là nhị sư đệ Lữ Trường Gia phó bang chủ, tam sư đệ Trịnh Đình Thao chưởng quản tài chính, tứ sư đệ Lê Trung Kha chưởng quản nhân khẩu, ngũ sư đệ Mạc Thu Tá trưởng luật bang, lục sư đệ Hoàng Quốc Kỳ trưởng kế hoạch hành động. Còn đây là Hoàng Tố Nguyệt, em gái ruột của Hoàng Quốc Kỳ trưởng điều phối nhân mã. Bảy anh em tại hạ không cùng họ nhưng khi thành lập Phùng Điền Bang, có lấy quyết định làm ra một qui ước tinh thần giang hồ. Từ nguyên nhân đó, họ Phùng được chỉ định làm Tổng Bang Chủ. Nay xin tiền bối tiếp nhận cho huynh đệ Phùng Điền Bang được quy thuận, quay đầu về một mối sống dưới ân ban của  nhị vị .

Cảnh ngộ chung quanh bất ngờ đưa đẩy không ai biết trước, âu cũng nhờ bảy Bạch Thiết Châm của Hoàng Phi Bằng mà Hoàng Lão Hiệp trở thành lãnh tụ bất đắc dĩ của Phùng Điền Bang. Hoàng Hạc không biết ăn nói làm sao bây giờ:– Không ngờ cháu nội Hoàng Phi Bằng của mình chưa xuất thân giang hồ mà đã có bản lĩnh như thế. Tuy nay nó mới mười lăm tuổi mà đã như người từng trải, vân du khắp nơi. Nó biết cách ứng phó linh động, quyền biến. Nó đã bảo bảy tên cướp ngồi theo hàng ngang trước mặt ta, có nghĩa là nó nhờ ta tiếp nhận lấy bảy Bạch Thiết Châm.  Thôi thì lúc này ta đang cầm cây phất trần vốn là gia bảo trên tay thì cứ nhận lấy bảy mủi kim châm cũng hợp tình thế .

Trong khoảnh khắc Hoàng Hạc đã tiếp thu bảy mũi kim châm vào cây phất trần rất tinh diệu. Lúc ấy Hoàng Phi Bằng tay quét một âm, một dương vào huyệt Nê Hoàn Cung và Đại Thủy, thuật pháp cũng tạm tinh diệu. Hai ông cháu biết diễn biến bảy mũi kim châm bay ra khỏi miệng của huynh đệ Phùng Điền. Hoàng Hạc khen thầm:– Hoàng Phi Bằng quả thông minh hơn cha nó, như thế là nhà có phúc. Nhưng ai biết mai sau nó sẽ ra sau ? Ta không phải là kẻ bói toán hay thầy tướng số nên không thể thấu hiểu trước việc tương lai của nó ! Ông ôn tồn với  Phùng Điền Bang :

― Mỗ vân du nay đây mai đó thì không thể nào tiếp nhận lời ủy thác của quí huynh đệ được. Nhân đây mỗ muốn biết sinh sống trong vùng này, như thế nào của quí huynh đệ để tiên liệu công việc mai sau. Thực mà nói, hai ông cháu mỗ phải chuẩn bị lên đường. Nếu có ngày gặp lại mỗ xin chén thù tạc với bảy vị cho phỉ lòng, hoài cảm, hy vọng ngày ấy có cơ hội bèo nước gặp nhau.

Phùng Hưng, tự biết đây là một cuộc hội ngộ như mây bay, rồi cúi đầu thi lễ nói : ― Kính thưa Hoàng lão tiên sinh, thất huynh đệ tại hạ vốn là người bốn phương trời gặp gỡ nhau, tâm đầu ý hợp nên kết nghĩa tại huyện Phù Ninh, ngã ba Giao Chỉ, Quế Lâm và Thượng Quận. Nguyên Phùng Hưng này họ tộc Điền Việt quê quán Thượng Quận. Còn đây Lữ Trường Gia họ tộc Âu Việt quê quán Giao Chỉ, Trịnh Đình Thao họ tộc Mân Việt quê quán Nam Hải, Lê Trung Kha họ tộc Lạc Việt quê quán Nhật Nam, Mạc Thu Tá họ tộc Thái Việt, quê quán Giao Chỉ. Và sau hết, đây là hai anh em Hoàng Quốc Kỳ và Hoàng Tố Nguyệt họ tộc Lạc Việt quê quán Trường Sa. Cả hai cũng là biểu đệ và biểu muội của tại hạ. Địa danh hoạt động của chúng tôi gồm Trường Sa, Quế Lâm và Nam Hải, mỗi nơi có từ năm đến tám trạm giao dịch. Còn tại hồ Động Đình này chỉ có một trạm, thực ra sống bằng sức mạnh ăn cướp của người. Biết rằng sống như thế không tốt, đôi lúc huynh đệ tại hạ cũng suy nghĩ ra tay làm hiệp nghĩa, nhưng tiếc thay không gặp người đồng tâm tưởng hiệp nghĩa. Nay may mắn nên chúng tại hạ mới gặp Hoàng lão tiên sinh, tiểu tiên sinh giáo hóa để chúng tại hạ cải tà quy chánh. Hy vọng mai này chúng tôi đuợc trở thành người hữu dụng để không hổ thẹn với lương tâm và kiếp sinh.

Huynh đệ tại hạ tạo được một sơn trại có trên hai trăm bang chúng tọa lạc khắp nơi, đời sống sung túc, dự trữ tiền của và lương thực phòng cơ, dù gặp thiên tai vẫn có thể sống hơn ba năm liền mà không sợ đói khó. Thưa lão tiên sinh, các người em kết nghiã của tại hạ khi lấy rượu và bánh bao của lão tiên sinh chẳng qua chỉ là một trò đùa cho vui, chứ không phải cố tâm gây hấn hay vì đói khó mà giựt miếng ăn của tha nhân đâu. Các đương sự chưa được chín chắn, lại ưa hiếu thắng, lớn nhỏ vào khảng ba mươi, hai ba tuổi mà thôi.

Hoàng Hạc suy nghĩ:– Tuy họ là người thảo khấu, nhưng khi biết phục thiện ắt là người có căn bản tốt, mai sau họ sẽ hơn những người ngoài miệng nói nào là thực hành đạo nghĩa, pháp thuật tu tiên mà trong lòng xảo quyệt chứa toàn mưu kế hại người. Ông trầm tư một lúc nói : ― Thì ra tất cả quí huynh đệ, là người Bách Việt cả. Hay lắm ! Mỗ đây là người Lạc Việt, tổ tiên của mỗ quê quán ở Quế Lâm và Giao Chỉ. Mỗ sinh ở kinh đô Phiên Ngung, khi lên mười hai thì một phần gia đình di cư lập nghiệp Giang Tô, còn lại một phần gia đình lập nghiệp Luy Lâu. Như vậy quí huynh đệ cùng mỗ vốn cùng một nhà Bách Việt, hôm nay gặp nhau như thế này cũng là do ân tứ của tổ tiên Bách Việt hợp thành. Nhân đây mỗ đề nghị quí huynh đệ hãy bỏ cuộc tranh giành sức mạnh cùng đời sống ích kỷ cá nhân. Có như vậy thì võ nghiệp của quí huynh đệ mới dùng vào việc hưng thịnh cho chủng tộc Bách Việt, không biết quí huynh đệ có tấm lòng này không ? 

Hoàng Hạc vốn tính cẩn thận, thăm dò suy nghĩ và từng tính khí của mỗi người trong Phùng Điền Bang. Ông hỏi tiếp:– Quí huynh đệ có bao giờ nghe nói đến Hợp Việt Xuất Hán chưa ?    

Phùng Hưng chan chứa xúc động vì đương sự trước kia đã nghe thân phụ giải thích cụm từ này nhiều lần, Tuy là con nhà tướng, nhưng Phùng Hưng vốn có văn võ song toàn, nên xuất khẩu để bày tỏ chí khí của mình :

Xã tắc khuynh nguy, thề  tuốt kiếm
Đuổi xua giặc Hán khỏi biên cương
Tiền nhân đã dựng nên sông núi
Con cháu sá gì đổi máu xương.

Tất cả vỗ tay khen ý lời của trưởng huynh Phùng Điền. Phùng Hưng nói tiếp:– Sự nghiệp của thất huynh đệ Phùng Điền kể từ đây xem như xung phong tạo hưng thịnh cho Bách Việt, bây giờ xin lão tiên sinh định liệu cho chúng huynh đệ. Riêng hai tiếng "Hợp Việt Xuất Hán" chúng tại hạ có nghe những bậc trưởng thượng nói cách đây hơn sáu năm.

Thực ra Phùng Hưng đã nghe chính gia gia của mình là Phùng Nam đàm luận đại sự với quí thúc phụ, nhưng không để lòng nhớ tới vì đương sự đã xa nhà hơn mấy năm, cho nên không để ý việc tình hình quốc gia xã tắc, nay có dịp nghe lại tức nhiên mới động lòng nhớ tới cha mẹ của mình. Phùng Hưng thưa tiếp:– Vãn bối không biết mục đích của "Hợp Việt Xuất Hán" đã và đang làm gì cho Bách Việt mình ? Cũng không hiểu ai chủ trương !

Hoàng Hạc suy nghĩ tinh tế:– Những người tuổi trẻ này có tư chất, có khí khái lắm nhưng không gặp cơ may. Riêng lời nói của Phùng Hưng cũng đủ làm lão hiểu người trưởng thượng đây có thể là thân thuộc của Phùng Hưng mới biết "Hợp Việt Xuất Hán". Nếu lão không nhầm chính Phùng Hưng này tướng mạo hao hao Phùng Nam. Lão ôn tồn : ― Được rồi, mỗ đề nghị như thế này:– Toàn bộ sự nghiệp của quí huynh đệ tự xử lý lấy, chuyển các trạm giao dịch thành các cơ sở kinh doanh. Nhân lực tại Động Đình hồ ngày mai nên di chuyển địa điểm, chọn người tâm phúc và có tài tháo vác, dùng đường sông để di chuyển, lập thành mối dây liên lạc với nhau. Riêng về cụm từ "Hợp Việt Xuất Hán" sau này quí huynh đệ sẽ hiểu nguyên do. Phùng Hưng các hạ rồi đây sẽ hiểu kế hoạch của lão phu Hoàng Hạc này.

Phùng Hưng khoanh hai tay trước ngực, cúi đầu thưa : ― Lão tiền bối ban lời giáo huấn quả là cao kiến, vãn bối chúng tôi xin tuận mệnh. Chúng tại hạ sẽ không phụ lòng bậc cao minh. Ngày mai, chúng tôi sẽ hành động ngay, bán tất cả tài sản lưu trữ tại hồ Động Đình và các nơi khác chuyển thành kinh doanh trên bộ, đường sông và đường biển. Nhưng chúng tại hạ không biết lộ trình đi sông đi biển, xin nhờ lão tiền bối chỉ giáo.

Hoàng Hạc rất hài lòng, cách quyết định của Phùng Hưng, không cần suy nghĩ, ban lời phán : ― Tốt lắm, sau khi mua được ghe thuyền, mỗ sẽ giới thiệu Hoàng Phi Vũ cùng một số người giàu kinh nghiệm về thủy trình,  đường sông cũng như đường biển. Họ rất am tường qui luật cùng sinh hoạt trên sông nước và nhất là cách tổ chức đội ngũ ghe thuyền.

Ông dừng lại để uống một hớp ngụm trà thơm, rồi nói tiếp:– Về ghe thuyền thì có nhiều loại như sau: Ghe Linh làm bằng nan tre để đi câu cá. Ghe Đỉnh dùng bằng thân cây lớn dài rồi khoét bộng, ở Nam gọi ghe Đỉnh hay ghe lườn, còn dân miền Phiên Ngung gọi là thuyền độc mộc. Tu Lự là thuyền lấy những thanh ván gỗ đóng lại thành thuyền lớn, còn gọi là ghe Mành, ở Nam gọi là ghe Bầu. Ghe Cửa hoạt động ở cửa biển dùng để đánh cá. Đại Trường Đà là thuyền lớn có nhiều buồm xòe hình cánh dơi cũng để đánh cá và đi buôn. Ghe Hầu để cho quan di chuyển, ở Bắc gọi là Lâu Thuyền, cũng dùng vào đi buôn hay du thuyền. Qua Thuyền có gắn mũi qua tức là chiến thuyền, đặc biệt có hai tiếng lóng là "thuyền rồi" ý nói kỹ thuật đóng thuyền tinh xảo.

Hoàng Tố Nguyệt vui mừng, cất giọng véo von : ― Nhờ sự khai minh của lão tiền bối nên hôm nay chúng vãn bối mới hiểu rõ thuyền bè v.v... Chúng cháu sẽ thực hiện được những lời chỉ bảo của lão trượng.

Lữ Trường Gia vốn rất thông minh, người đứng vào hàng thứ hai của Phùng Điền Bang sốt sắng nói : ― Nhân hôm nay xin khai tử Phùng Điền Bang, đổi lại danh xưng mới là Hoàng Việt Đức Bang không biết ý lão tiên sinh thế nào ?

Hoàng Hạc thâm trầm một hồi rồi suy nghĩ nói : ― Mỗ nghĩ danh xưng mới cũng hay lắm, khai tử Phùng Điền sáng lập Hoàng Việt Đức Bang, nghĩa là "Dân Việt da vàng khải quí đức độ" có phải thế không ? Thôi thì xin kêu tắt là ( Hoàng Đức Bang ) cho gọn. Riêng về sinh hoạt của nội bộ, mỗ tin tưởng thất huynh đệ thừa khả năng hành xử đúng với sở nguyện. Nhưng phải nhớ "Nghĩa bất thủ tài", phải biết linh hoạt trong việc quản lý thì mọi hành động sẽ được như ý. "Từ bất chưởng minh", đương nhiên việc làm nào chúng ta cũng chú ý đến tài quyền biến, muốn cứu người thì phải có bản lãnh cứu mình, vì mình đang đứng trước mọi thử thách. Thành đạt đại sự không nệ tiểu tiết, lập đại công không ngại lỗi nhỏ, trách nhiệm quân tử là phải mưu tài bất mưu phú. Khi đã nhận mình là Hoàng Đức thì phải có ba cách nhìn người để biết sở thích của họ. Người ham công danh đôi mắt thường nhìn lên mão dưới hia, người háo sắc thường nhìn thân thể phái nữ, người tham tiền thì sáng mắt khi bàn bạc chuyện sanh lợi. Ba loại người này không trong sạch, có rất nhiều mưu đồ hắc ám. Nắm được họ thì sai bảo họ theo ý mình. Quí huynh đệ cũng nên nhớ không được dồn người nhút nhát vào đường cùng gây phải sợ hãi; khi họ sợ hãi đến tuyệt lộ thì tự họ biến thành hùm beo dữ tợn, lúc ấy quý vị trở thành chuột sợ mèo, khó mà tránh nguy do mình tạo ra.

Phùng Hưng nghe qua đem lòng cảm động nói : ― Thưa đại phu tiên sinh, tuy chúng tôi trí tuệ không hơn người, nhưng từ Phùng Điền Bang đổi thành Hoàng Đức Bang, cốt ý là để tạ ân công, luôn luôn nhớ đức hạnh của tiểu tiên sinh đã hướng dẫn chúng tại hạ vào đường ngay nẻo chánh.

Trần Đình Thao, người đứng vào hàng thứ ba của Hoàng Đức Bang cũng nói :  ― Chúng tôi đã giác ngộ, từ nay nguyện thực hiện chủ trương "Da vàng đức độ",  một lòng vì sơn hà xã tắc.

Phùng Hưng không còn ái ngại nữa, liền giục giã huynh đệ : ― Này các sư đệ và biểu muội hãy đi theo ta để kịp thời giờ chuyển trạm. Xin tạm biệt lão tiền bối, kính hẹn tái ngộ chiều mai. 

Hoàng Hạc đứng dậy theo phép chủ nhà chào : ― Xin tạm biệt, hẹn gặp lại !

Huynh đệ Hoàng Đức Bang chào rồi xuống lầu. Trước khi đi, Tố Nguyệt xoa đầu lại, chào Hoàng Phi Bằng một lần nữa, rồi nói : ― Em là ân công, là một thần đồng lỗi lạc ! Mai sau, nếu em không trở thành một trang tuấn kiệt thì cũng là một anh kiệt hay hào kiệt danh trấn giang hồ.

Trong tửu lầu, thực khách ra vào náo nhiệt. Thất Hoàng Đức bang vừa ra cửa Phong Lưu Tửu Lầu thì có người quát thật lớn như giật kéo vai thụt lùi : ― Tất cả đứng lại !

Người lạ mặt thứ hai tiếp theo lớn tiếng : ― Này Phùng Điền Bang, tất cả không được ra khỏi nơi này. Hãy nạp tiền mãi lộ mới được bước chân ra khỏi cửa, bọn ngươi phải để lại ngân kim trên bàn này ! Mỗ quản lý tài vật cho các ngươi. Nếu có kẻ nào trái lệnh bọn mỗ sẽ mượn tạm bảy cái thủ cấp làm lễ vật tế thần linh Hồ Kỳ. Còn nữa, các trạm giao dịch của Phùng Điền Bang tại hồ Động Đình sẽ bị bọn ta phóng hỏa cho chúng tan theo mây khói. Các ngươi vâng lời thì sống, chống lại thì chết. Hãy suy nghĩ thật kỹ đi, đừng để muộn màn mà chịu thiệt thòi điều đó biết không ?

Phùng Hưng tay chỉ vào mặt đồng đảng Hồ Kỳ, miệng quát lại : ― Im miệng ! Ai lấy thủ cấp ai thì chưa biết rõ. Trước mắt mỗ chỉ thấy Hán khấu Hồ Kỳ, nhất định không còn lối quay đầu về Hán quốc. Chúng bây cũng nên nhớ một khi vào hồ Động Đình có khác nào "cướp đêm là giặc, cướp ngày là quân quan Hán", có phải thế không ? Khôn hồn thì cút ngay, nếu còn đứng ở đây thì đừng trách mỗ. Bằng không xin mời tuốt kiếm ra đón tiếp với chúng tại hạ vài chiêu.

Hoàng Tố Nguyệt liền cất giọng lanh lảnh : ― Lần này bản cô nương và các đại huynh ta ra tay, trừ khử bọn Hán khấu Hồ Kỳ ác tặc, thành bành cỏ dại không còn đất sống; hôm nay không trừ trước thì ngày nào đó cỏ dại sẽ mọc lên che phủ Trường Sa.

Hoàng Tố Nguyệt vừa nói dứt lời, đẩy ra một chiêu mười hai thức kiếm pháp Trụ Long Thành  trong "Tuyệt Cao Kỳ Kiếm Phổ" vang lên hai tiếng "bốp bốp". Tên Hán khấu Hồ Kỳ thứ nhất hứng chịu một chiêu của hai anh em Phùng Hưng, đứng không vững, phải té gục đầu xuống bàn, hai tay dang ra như thể ôm đống ngân kim.

Phùng Hưng không còn lý do nào do dự nói tiếp : ― Ta cảnh cáo trước bọn Hán khấu Hồ Kỳ chúng bây. Từ đây không được vào đất Nam Việt để tác yêu tác quái nữa.

Tố Nguyệt vận một thành công lực hét : ― Sao không rút lui còn đứng đó ?

Trịnh Đình Thao phi thân đến bàn ngân kim quát to : ― Quân hung đồ chúng bây đừng trách bọn ta, thất huynh đệ chúng ta nay chính là Hoàng Đức Bang với tôn chỉ thực hiện tinh thần hiệp nghĩa, còn tên Phùng Điền Bang đã khai tử từ lâu rồi. Mỗ là Trịnh Đình Thao dù có ngân kim cũng không để Hán khấu Hồ Kỳ cẩu tặc bọn mi lấy được một đỉnh hào nào.

Trịnh Đình Thao nói đến đây thì sựt nhớ lại lời của Hoàng Phi Bằng căn dặn: "– Nếu dụng nội lực võ công thì cây kim châm sẽ theo mạch máu vào tim" liền phi thân lên lầu hỏi Hoàng Phi Bằng : ― Thưa ân công, nếu như động võ thì có quan hệ gì đến cây kim trong người không ?

Hoàng Phi Bằng suy nghĩ một chặp, chàng có ý đổ dầu vào lửa, liền nói : ― Đại huynh an tâm, tại hạ đã có cách trị liệu, như vậy quí đại huynh vận dụng hết tinh lực kiếm pháp, sau đó tại hạ xem lại kinh mạch chận cây kim không cho vào tim, rồi sẽ tìm cách lấy cây kim ra, hôm nay không thể để mất cơ hội này. Đây cũng là dịp tốt trừ được bọn giặc cỏ Hán khấu, quí đại huynh tự nhiên tung hoành.

Phùng Hưng, Lữ Trường Gia, Lê Trung Kha, Mạc Thu Tá, Hoàng Quốc Kỳ, Hoàng Tố Nguyệt phi thân cùng lúc tấn công, đến bảo vệ Trịnh Đình Thao. Phùng Hưng nghiến răng, nói : ― Hôm nay mỗ xử sự chứ không phải xử người, ép mỗ thì đừng trách. Riêng số ngân kim này tại hạ xin trả lại cho quí khách quan. Cuộc chơi này đồng bọn Hán khấu Hồ Kỳ cả thảy ba mươi tên, và tuy Hoàng Đức bang chỉ có thất huynh đệ, cũng lấy được gió tanh mưa máu, chan rưới vào đất để làm lối đi thăm viếng Diêm-vương và về chầu tiên đế nhà Hán. Huynh đệ tại hạ xin hứa cùng quí khách quan, từ nay Hán khấu Hồ Kỳ không còn đất sống tại hồ Động Đình và kể từ hôm nay người Hán phải sống bên bờ hồ Bắc Bành Lãi. Tại hạ quyết định quét sạch hai đảng Hán khấu Hồ Kỳ và Hồng Kỳ.  Xin mời các đảng tuốt kiếm.

Đương nhiên bọn Hán khấu Hồ Kỳ thấy thế lực của Phùng Hưng chỉ có bảy người thì coi không bằng nửa con mắt, lại còn nghĩ rằng võ công của họ cũng tầm thường thôi. Đầu đảng Hán khấu Hồ Kỳ hứng chí cười "hà hà... " rồi quắc mằt chỉ vào mặt Phùng Hưng, như thể muốn lấy mạng đối thủ : ― "Hà hà" mỗ tên là Mã Cao nguyên thuộc vào hàng đệ tam thập nhị của Hồ Kỳ đảng, hiện đứng đầu ba mươi nhân mã há sợ bọn Phùng Hưng ư ? Chắc Phùng Hưng nhà ngươi cũng đã biết đến danh của mỗ rồi, những kẻ nào đã biết danh mỗ mà còn đứng đó xem như nước giải xuất trước, sau khi đầu rơi xuống đất. Quí huynh đệ đâu, hãy tuốt trần binh khí lấy đầu bọn Phùng Điền cho mỗ.

Phùng Hưng tay chỉ vào mặt Mã Cao, mà mắng : ― Tốt lắm, tốt lắm, tên Mã Cao và đồng bọn này chỉ là thứ ngựa què điên. Chúng bay hãy co giò cao bay xa chạy là hơn. Bọn mi chỉ biết miệng nhai cỏ mục.

Mã Thu Tá xem đây là thời cơ để xuất kiếm, liền hét lớn : ― Này loại Hán trọc đầu hiếu chiến, hãy xem ai lấy đầu ai cho biết.

Phùng Hưng tính khí không phải sợ chết, nói tiếp : ― Nhưng trước khi đi vào cuộc tỷ đấu sống còn, mỗ xin hỏi Mã Cao lần cuối cùng. Tại sao Hán khấu Hồ Kỳ không ăn cướp ở đất Hán mà lại vào Động Đình Hồ ? Hán khấu Hồ Kỳ có biết chăng mỗi khi vào Động Đình Hồ cướp bóc tài sản của lê dân, đương nhiên chúng bây phải biết lối vào, còn lối ra thì không có. Hôm nay Hán khấu Hồ Kỳ chết nơi này rồi đấy. Còn nữa, ăn cướp đêm thì có thể châm chước được, còn ăn cướp ngày thì khó tha thứ. Ngày tàn của bọn ô hợp này xem ra đã đến lúc rồi. Ta thử hỏi bọn mi lần cuối, bọn mi có muốn ra khỏi nơi đây một cách an toàn không ?

Hoàng Tố Nguyệt cười khanh khách, lớn tiếng : ― Từ khi chúng ta lập nghiệp tại đây, tuy mang tiếng ít nhiều là ăn cướp, nhưng chỉ ăn cướp của nhà giàu, quan lại tham ô, chứ chưa hề lấy tài sản kẻ khó. Bọn ta cũng có giết người nhưng chỉ nhắm vào cường hào, ác bá, đạo tặc để bảo vệ dân lành, chứ chưa bao giờ gặp ai giết nấy, giết người bừa bãi. Còn Hán khấu Hồ Kỳ chúng bây giết người vô tội, ăn cướp bừa bãi như vậy là hành động bất lương, không nhân cách. Nay các đại huynh của bản cô nương hành xử theo tinh thần giang hồ nghĩa hiệp để trừ khử Hán khấu, tay kiếm của ta, nay đã có dịp thách thức với bọn mi một phen. 

Mã Cao nghe qua lời mắn của một cô gái Việt, liền xám mặt, miệng hầm hừ nói : ― Đã là ăn cướp mà còn nhân đạo, ăn cướp nửa vời thà làm chó cắn bậy sủa càng cho rồi, ăn cướp mà không có thế lực thì khác nào chết không đất để chôn. Dù sao hôm nay mỗ cũng mượn Phong Lưu Tửu Lầu làm nghĩa địa chôn bọn Phùng Điền Bang.

Lữ Trường Gia gằn giọng, tay chỉ vào mặt Mã Cao quát lớn : ― Hán khấu Hồ Kỳ đúng là loại tim chó, óc heo mưu đồ cấu kết quyền lực với nhà Hán, vượt biên giới vào đất Động Đình Hồ để cướp bóc, vơ vét tài sản của lê dân Nam Việt và dùng ngân kim cấu kết gian thần Nam Việt, hầu bành trướng thế lực gian tế cho nhà Hán. Tài năng của các ngươi chí có thế đấy ư ?

Bọn Hán khấu Hồ Kỳ bị Lữ Trường Gia chỉ mặt, vạch trần đồ mưu tội ác của chúng, Mã Cao đỏ mặt lớn tiếng : ― Bây giờ đôi bên không cần nói nhiều. Xin mời !

Phùng Hưng tay cầm chuôi kiếm, trong bụng nghĩ thầm: "– Hôm nay huynh đệ ta ra tay tức là làm một được lời ba. Thứ nhất là trừ được bọn Hán khấu Hồ Kỳ, thứ hai là chính cứu lấy mình ra khỏi cái tình trạng nguy hiểm do cây kim trong người", thứ ba là dâng hiến bản lĩnh này lên ân công.

Lê Trung Kha hiểu ý huynh đệ cùng quyết đấu để sinh tồn nói : ― Hay lắm ! Hay lắm ! Mỗ xin đề nghị đôi bên nên ra khỏi Phong Lưu Tửu Lầu. Ngoài kia rộng rãi, đôi bên tỷ đấu thoải mái, xem ra ai sẽ lấy đầu ai ? Mỗ quyết rằng dù nay có cả thập nhị Hán khấu Hồ Kỳ cũng phải chịu chôn tập thể thi hài ở đất Động Đình Hồ.

Tiếp theo Hoàng Tố Nguyệt đề nghị : ― Riêng cái bàn ngân kim kia, người thắng cuộc đấu này được quyền tùy nghi sử dụng, như vậy có được không ?

Mã Cao gật đầu đồng ý, liền phất tay ra hiệu lệnh đồng đảng phi thân ra khỏi Phong Lưu Tửu Lầu. Lúc hắn ta phất tay cũng là lúc xuất chiêu gió độc Đoạt Hồn Bạch Phấn có khả năng phá công lực đối phương. Tuy Hoàng Đức Bang không đề phòng ám khí, nhưng đã tránh được độc phấn là nhờ cây phất trần của Hoàng Hạc đẩy gió bạt vào bụi phấn màu nâu vàng kia và chuyển gió qua hướng khác. Bảy người trong Hoàng Đức Bang đồng phi thân theo. Phùng Hưng đứng trước mặt Mã Cao mời : ― Mời Mã tiên sinh ra chiêu trước.

Mã Cao tay cầm đao phi thân tiến tới rất nhanh : ― Này, Phùng Hưng hãy đỡ.

Mã Cao tay đao kình lực hạ đơn điền, xuất nội công một chiêu năm thức "Trụ Lư Phong" đẩy mười thành công lực bao phủ bốn mặt, tiếng xé gió vù vù. Tất cả bộ hành trên đường phố khi nghe cũng phải nhức đầu óc. Những ai không có nội công thâm hậu đành phải tránh xa nơi tỷ đấu bốn trượng.

Hoàng Đức Bang đồng xuất kiếm nhẹ như tay cầm nhánh sậy, vận nội công vào kiếm thép; tinh thần sảng khoái, không rung động trước chiêu số của địch thủ. Trụ lư Phong đã xuất đao đụng với bảo kiếm liên hồi "keng keng". Đôi bên đấu xã giao hai mươi hiệp mà vẫn chưa phân thắng bại. Phùng Hưng vận nội công mỗi lúc kiếm thép tỏa hồng như lửa trong lò đúc, xuất hai chiêu mười thức Huyệt Thành Phong Kiếm trong Tuyệt Cao Kỳ Kiếm. Chàng ta phi từ cao đẩy thần công lực xuống, tinh lực mũi kiếm rung động "vu vu" thân pháp, chiêu thức tinh kỳ vụt vụt. Mũi kiếm đâm luôn ba chiêu mười lăm thức vào đỉnh Nê Hoàn Cung của đối thủ; Mã Cao không kịp đỡ chiêu kiếm đành phải chết trong vòng chiêu thứ sáu của Đại Huyệt Kiếm, thân người bị chẻ ra làm đôi. Còn Lữ Trường Gia, Trịnh Đình Thao, Lê Trung Kha, Mạc Thu Tá, Hoàng Quốc Kỳ  và Hoàng Tố Nguyệt đồng sử dụng một trăm lẻ tám thức Phong Tâm kiếm, nội lực tuy kém hơn Phùng Hưng, nhưng cũng đủ sức lấy mấy chục thủ cấp của đồ đảng Hồ Kỳ. Ba tên bại binh của chúng tìm đường tẩu thoát thì bị Hoàng Quốc Kỳ dùng thế võ Thần Ưng Chuyển Dực (chim ó thần chuyển cánh) hoa thanh kiếm Ngọc Long lia một nhát tức thì ba cái thủ cấp rơi xuống thảm cỏ nhung xanh. Chàng cười ngạo nghễ, rút khăn lụa lau sạch vết máu và tra thanh kiếm sáng loáng như ánh nước vào chiếc bao kiếm bằng đồng đen nạm ngọc kim sa. Bộ hành trên đường phố cổ võ tiếng vang một vùng, ai cũng hoan hỷ chúc mừng thất hiệp Hoàng Đức Bang.

Một thiếu nữ mặc áo thúy lam, lưng thắt khăn lụa màu hồng phấn, tóc cài hai đóa hồng quế, buột miệng khen : ― Trời ơi, một chàng thiếu niên đẹp trai, oai hùng mà lại còn có võ nghệ tuyệt luân. Tống Ngọc thời Xuân Thu Chiến Quốc cũng chỉ anh tuấn cỡ chàng là cùng. Chắc là Đức Đông Nhạc Đế Quân trên Thiên Đình Thượng Giới đầu thai xuống đây.

Thiếu nữ đẹp như tranh vẽ, mắt phụng long lanh, mũi thả giọt mật, nụ cười tươi như bông hồng mai soi bóng tuyết, da trắng như phấn và mịn như nhung. Cách ăn mặc cô ta chứng tỏ cô không phải là con nhà quyền quý. Đầu cô ta chỉ giắt Hồ Điệp Kim Trâm (trâm vàng tạc hình bươm bướm) chớ không cài kim thoa tạc hình Song Phụng Triều Dương (đôi chim phụng chầu mặt trời) như Hoàng Tố Nguyệt. Đã vậy, y phục cô ta chỉ bằng lụa trơn tuy màu nhum hãy còn tươi mới. Đôi cườm tay cô lồng cặp vòng ngọc thạch, chớ không đeo cặp vòng ngọc phí thúy. Nhưng cô ta lồ lộ vẻ phong lưu văn nhã. Hoàng Tố Nguyệt cầm tay cô ta, ân cần : ― Hảo tỷ tỷ ! Xin cho em biết phương danh quý tánh của chị.

Thiếu nữ đưa mắt phụng nói : ― Tiện nữ chỉ là cô gái dân giả tên là Lý Lệ Nga. Tệ xá ở gần Phong Lưu Tửu Lầu, tức là nơi Đào Hoa Thôn (xóm hoa đào). Cha tiện nữ là Lạc trưởng thôn, chuyên nghiên cứu cuốn "Hán Thư" của Ban Cố cùng các sách của Khổng Mạnh, của Mặc Tử làm vui. Nếu các hiệp khách cùng nữ hiệp có rảnh rổi chút ít thời giờ xin ghé tệ xá để cùng ông thân sinh tôi luận cổ suy kim.

Hoàng Quốc Kỳ và Lý Lệ Nga nhìn nhau sững sờ. Nhưng nàng e lệ quay mặt qua phía khác. Còn chàng thì mặt đỏ bừng như say rượu. Cặp mắt long lanh của chàng trở thành cặp mắt ướt rượt. Hoàng Tố Nguyệt thối thoát : ― Hiện giờ anh em của tiểu muội phải gấp rút lên đường. Hẹn dịp sau sẽ đưa ông anh của em đến viếng chị.

Lý Lệ Nga chỉ thúng bánh chưng của cô tớ gái, yêu cầu : ― Đây là một chục bánh chưng, tiểu nữ xin tặng quí ân nhân để dùng lúc bôn ba trên đường.

Phùng Hưng hân hoan, nhận bánh và yêu cầu mọi người dự khán cuộc xung đột. ― Huynh đệ chúng tôi nhờ quí khách quan đem mấy chục xác đồng đảng Hán khấu Hồ Kỳ chôn tập thể, mời quí khách quan tiếp nhận lại ngân kim; tuyệt đối không ai được nhầm lẫn của ai.

Lý Lệ Nga cùng mọi người nhận tiền rồi kiếu từ và tản mát về nhà. Sau khi trận chiến đã kết thúc, thất hiệp Hoàng Đức vào Phong Lưu Tửu Lầu.

Hoàng Hạc ở trên phòng trọ không ra mặt. Hoàng Phi Bằng đứng trên lầu thấy huynh đệ của Hoàng Đức xử thế với khách quan như vậy đem lòng cảm kích, nhất là thán phục võ nghiệp kiếm pháp "Tuyệt Cao Kỳ Kiếm Phổ" và "Phong Tâm Kiếm Phổ" rất tinh diệu của họ.

Không khí Phong Lưu Tửu Lầu trở lại bình thường, Hoàng Phi Bằng mời Hoàng Đức Bang vào phòng trên lầu, để cậu xem lại kinh mạch cho từng người một, rồi dặn : ― Quí đại huynh chú ý khi tại hạ lấy cây kim ra thì nhớ thoa thuốc Hoàng Hổ vào nhé ?

Lục huynh đệ Hoàng Đức đồng lên tiếng : ― Dạ, xin ân công cứu chữa cho.

Hoàng Phi Bằng chữa trị cho Phùng Hưng trước. Hoàng Hạc Lão Hiệp suy nghĩ:– Hoàng Phi Bằng tuy tuổi còn nhỏ mà đã có những suy nghĩ rất mới lạ, biết dụng tư duy biến thành hành động, biết thu phục nhân tâm biến thù thành bạn, mà không cần động võ. Trước đây ta xem Hoàng Phi Bằng cũng như mười đứa cháu khác, nếu có tài trí đi nữa thì cũng chưa chắc hơn sáu trai, hai gái của ta được. Ta rất tự hào những đứa con ấy. Không lẽ thằng cháu út Hoàng Phi Bằng này thừa hưởng tất cả tinh hoa của tổ tiên họ Hoàng nhà ta hay sao ? Chuyến này ta đi Phiên Ngung đem theo Hoàng Phi Bằng, vì nó là đứa con út của thằng út nam Hoàng Phi Chỉnh của ta. Hôm nay không ngờ nó biết tùy nghi ứng xử theo hoàn cảnh. Tuy ta đã từng trải hơn năm mươi năm giang hồ, mà vẫn không đoán trước được ý của cháu mình. Hiện giờ tuy ta dấn thân vào việc hành hiệp, nhưng thật ra ta là quân sư của Nam Việt Vũ Đế, chuyên lo sách lược trong việc an bang tế thế và việc quốc sự đương thời. Vậy mà ta vẫn còn chậm chạp trước tình thế gay go, nhưng tôn nhi của ta vẫn quyền biến giải quyết đâu đó suông sẻ. Thế mới biết tài không đợi tuổi. Cậu bé Hạng Thác thời Xuân Thu Chiến Quốc há không nổi danh thần đồng làm cho Đức Khổng Phu Tử phải khen "hậu sinh khả úy" hay sao ? Thử hỏi trong tương lai Hoàng Phi Bằng có hữu dụng được gì cho giang sơn Nam Việt không ? Quả là một câu hỏi hôm nay ta khó trả lời !

Hoàng Hạc bưng tách trà hoa Cúc, uống một hớp "khà …" rồi suy nghĩ tiếp:– Ồ "Ta đây vốn văn võ lưỡng toàn, lại là một phú gia địch quốc, thế mà vẫn sống như một kẻ Lạc Việt bình dân, người đời chỉ biết ngoại hiệu Bạt Kiếm Cầm Tiêu Lão Hiệp (người hiệp sĩ già sử dụng kiếm lẫn chơi đàn thổi tiêu). Nay ta hy vọng với tư chất thông tuệ, với tài nghệ sớm phát triển, Phi Bằng tôn nhi của ta sẽ là Hoàng Hạc mai sau, ta có quyền mơ mộng như vậy, nhưng phải còn có phước trạch của nhà họ Hoàng nữa !

Một tiếng "ôi cha" của Phùng Hưng cắt luồn suy nghĩ của Hoàng Hạc. Ông thấy Hoàng Phi Bằng rút một cây Bạch Thiết Châm từ huyệt Hồ Thanh Ngưu của Phùng Hưng. Ông an tâm vì huyệt này vô hại. Sau đó, Phùng Hưng thoa thuốc Hoàng Hổ vào chỗ mũi kim trồi ra. Phùng Hưng thấy rõ cây kim rút ra thì vui mừng trong dạ, miệng cười sảng khoái nói : ― Đa tạ ân công, đã cứu mạng. Hoàng Đức Bang, nay chỉ biết đền đáp bằng cách lấy kiếp sinh mà sống trọng nghĩa với tiên sinh.

Hoàng Phi Bằng tươi cười nói : ― Thưa tiền bối, đã đồng tâm đồng chí với nhau thì giở trò lễ nghĩa nầy để làm gì ? Được cứu chữa mà cứ bảo phải đền ơn thì hoá ra mua bán con bệnh ư ? Độ người như tạo được thân thích. Xin  đại huynh đừng để ý làm gì ! Hãy sống hạnh phúc chính mình, hãy lấy chí phù trợ tổ quốc Việt. Phải làm một đại trượng phu đảm sắc hơn người với lòng thành chí nguyện thì liên miên phước trạch lưu quốc, hay biết là bao. Có vậy toàn dân  Bách Việt nào sợ gì quân Hán xâm lăng chứ !

Phùng Hưng đã từng nghe cha mẹ mình dạy phong cách làm kẻ trượng phu, giờ đây mới động lòng giác ngộ. Người xưa có câu "Đường mòn, nhân nghĩa không mòn", quả nhiên Phùng Hưng cảm thấy hai tiếng "Bách Việt" sao mà thân thương ! Chàng liền đa tạ : ― Thưa tiên ân công, người đời có bảo: "Anh hùng không luận tuổi tác". Từ nay  Hoàng Đức Bang xin kính bái tiên sinh làm sư phụ.

Hoàng Phi Bằng cảm thấy cũng ngộ ngỉnh cười nói : ― Tôi làm sư phụ của Hoàng Đức Bang không được đâu. Người ta sẽ cười các đại hiệp đấy, hiện nay kiến thức của tôi còn kém lắm, võ học cũng không có là bao. Nếu tôi tỷ đấu may ra chỉ hạ được tửu bảo Phong Lưu Tửu Lầu mà thôi, chứ làm sao hạ được Tuyệt Cao Kỳ Kiếm và Phong Tâm kiếm của các vị.

Thực ra trình độ võ học kiếm pháp nhà họ Hoàng, mà Phi Bằng có được là do nội tổ chính thức trao kiếm gia môn cách đây mười một tháng. Sau đó tôi đi theo nội tổ hành tẩu giang hồ với mục đích để luyện nội công, thử lửa kiếm.

Phùng Hưng chân tình giục lòng Hoàng Phi Bằng, liền cúi thân thủ lễ nói : ― Ân công nhất định phải là cao thủ giang hồ, thế kiếm đẹp như rồng bay phượng múa, nội lực cao thâm tinh nhuệ, thì không nhất thiết là phải có kiến thức uyên thâm, hay kinh nghiệm giang hồ già dặn. Chỉ cần lấy đức cứu người, lấy kiếm trừ gian diệt bạo thì đời sẽ tôn vinh ân công làm sư phụ rồi. Dạy người học được một chữ cũng là sư phụ vậy. Người ta có nói "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" Hôm nay Hoàng Đức Bang xin cúi thân quì kỉnh nhất bái chính thức làm đệ tử của sư phụ, xin sư phụ nhận lời cho. 

Hoàng Phi Bằng ngạc nhiên, ngực phập phồng, phất tay vội nói : ― Thôi, đứng dậy đi, các vị huynh đài của Hoàng Đức Bang đừng làm vậy, Tôi xin từ chối làm sư phụ, hai nữa sư phụ thì phải am tường đường đạo, đường đời mới được chứ. Tôi vừa vào tuổi hoa niên mà dám làm sư phụ của Hoàng Đức Bang thì thiên hạ bao la sẽ nhạo báng Hoàng Đức Bang ngông cuồng, có phải gây ra nhiều điều bất lợi cho tôi hay không ? Nếu thiên hạ tìm tại hạ để tỷ kiếm thì làm sao tôi đấu lại vung trời này !  Nhất là tôi cũng không muốn tạo ra một kẻ thù nào !

Phùng Hưng lại càng cương quyết hơn nói : ― Thất Hoàng Đức này không nhận lầm ân công đâu. Nếu ân công không khứng làm sư phụ thì hãy nhận chức chưởng môn đi. Riêng về kiếm pháp võ học thì trước sau gì Tuyệt Cao Kỳ Kiếm và Phong Tâm Kiếm, đối với người thì không khó học đâu.

Lúc này Hoàng Tố Nguyệt cung kính nói : ― Người dưới đối với người trên thì cung kính sao bằng vâng lời; còn người trên đối với người dưới nếu thương mến nhau thì xin nhận lời thỉnh cầu. Xin ân công xét cho.

Một khi Phùng Hưng đã công nhận Hoàng Phi Bằng làm chưởng môn thì thất huynh đệ Hoàng Đức Bang tất nhiên cũng đồng ý. Tuy vậy Phùng Hưng cũng hỏi ý kiến của các sư đệ của mình : ― Theo ý của lục sư đệ muội thì thế nào ? 

Tam sư đệ Trịnh Đình Thao trầm ngâm. ― Thưa đại huynh, từ xưa nay đại huynh là mẫu mực của chúng đệ, những quyết định của đại huynh không khi nào sai lòng trái ý chúng đệ.    

Hoàng Phi Bằng miệng cười vui vẻ, trong lòng thì khó mà an tam, chàng cười và nói : ― Các môn nhân nhớ nhé, đến khi lâm đầu không thể chối cải cuối đầu, có thế mới là sĩ khí giang hồ.

Hoàng Phi Bằng tiếp tục lấy Bạch Thiết Châm còn lại trong người của lục huynh đệ Hoàng Đức Bang. Lão Hiệp Hoàng Hạc vừa buồn cười, vừa không hài lòng thằng cháu thầy lang ba trợn. Nó không hiểu nhiều huyệt đạo, thế mà cứ làm lanh, cũng may tư chất nó thông minh cho nên được việc. Thực ra Hoàng Hạc và Hoàng Phi Bằng thừa biết bảy cây Bạch Thiết Châm không còn trong người của anh em Hoàng Đức Bang, nhưng vì chuyện đưa đến nên thằng cháu nội của ông phải ra tay như là thiệt. Hoàng Phi Bằng một tay phóng Bạch Thiết Châm vào huyệt Thanh Ngưu, một tay rút Bạch Thiết Châm ra; tay vừa quét là phóng vào huyệt thật nhanh, tay rút thì từ từ để cho bệnh nhân có cảm tưởng Hoàng chưởng môn của họ làm cách hóa giải kim châm một cách kỳ diệu. Hiện giờ sắc mặt của huynh đệ Hoàng Đức Bang có phần thay đổi. Ông thừa biết họ đã từng bị trúng độc chất của Hồ Kỳ đảng. Ông suy nghĩ một lúc rồi tự nhủ thầm:– Vừa rồi bị trúng một ít chất độc của bọn Hán gian nên tuy vi, can đởm, tam tiêu, bàng quang, đại trường, tiểu trường của thất Hoàng Đức Bang đang ở trang thái bình thường, nhưng sau này độc chất sẽ hại đến lục phủ ngũ tạng của họ.

Hoàng Hạc đành phải nói : ― Nhân đây quí huynh đệ cũng ngồi theo tư thế cũ để mỗ giải độc do bọn Hán khấu Hồ Kỳ ám hại. Nên chú ý hai huyệt đạo Thiên Cổ và Thiên Nguyệt. Tuy quí vị có nhói một ít mà không hại, nếu để lâu ngày chất độc sẽ vào túi mật đấy.

Hoàng Đức Bang nghe qua sợ hãi không biết chất độc của Hồ Kỳ ám hại khi nào ? Họ vâng lời mà không dám hỏi Hoàng Hạc nguyên do. Tất cả ngồi theo thế như cũ trong khoảng thời gian bảy khắc, cảm thấy ấm áp toàn thân. Hoàng Hạc Lão Hiệp nói tiếp:– Bây giờ quí huynh đệ về trạm di chuyển nhân số và tất cả tài sản đến địa điểm mới ngay trong ngày hôm nay. Hãy thực hiện những gì chúng ta đã thảo luận. Ngày mai chỉ cần một huynh đệ đến đây cho biết tin tức là được rồi.

Huynh đệ Hoàng Đức quì xuống tạ ơn và bái biệt. Hoàng Quốc Kỳ trẻ tuổi và khôi vĩ nhất trong bang, tuy võ nghệ chàng kém hơn võ nghệ các nam tử hán kia, nhưng chàng hùng tráng và cường tráng nhất. Chàng cũng vận y phục đen như các trưởng huynh của mình. Nhưng thắt lưng của chàng màu ngọc thạch, còn đầu chàng quấn khăn bằng lục cẩm sa có gài miếng ngọc bi bằng hồng ngọc giữa trán. Chân chàng đi giày da hươu, chàng khoác áo choàng bằng da rái cá có thêu những cụm mây bằng kim tuyến lóng lánh. Chàng chắp tay chào Hoàng Phi Bằng một cách ân cần : ― Nếu mùa đông tới, chưởng môn có dịp Bắc du, xin ghé thăm đất Trường Sa. Tai hạ xin gom tuyết bám trên cành hồng đào, cành mộc lý, cành bạch mai để pha trà Thanh Hương mời chưởng môn.

Hoàng Tố Nguyệt cũng nói đùa : ― Miền Lĩnh Bắc chỉ trồng lúa mì nên Trung Nguyên ăn mì trừ cơm, còn Lĩnh Nam biết trồng lúa nên dân Nam Việt mới có gạo để nấu cơm, làm hủ tíu và làm bánh ướt. Lên chơi Trường Sa chẳng biết chưởng môn quen ăn mì và gạo suốt tháng không ? 

Hoàng Phi Bằng chỉ cười chúm chím rồi tiễn đưa các huynh đệ Hoàng Đức Bang ra cổng Phong Lưu Tửu Lầu, xong trở lại phòng. Cậu thoảng nghe tiếng hát của anh em Hoàng Quốc Kỳ vẳng lại :
 
Vốn ta sinh trưởng từ phương Bắc
Hán tặc dồn ta xuống phương Nam
Cuống rún từng chôn nơi cố quán
Thề  giành lại đất, diệt  quân tham .

Trong phòng trọ, Hoàng Hạc Lão Hiệp quở trách thằng cháu nội của mình : ― Tôn nhi à, trong người của con; kẻ theo vương đạo thì ít, còn lũ bá đạo thì nhiều. Tuy hôm nay con có thành công đôi việc, nhưng không nên lấy đó làm thành quả vẻ vang cho tương lai. Con phải nhắm vào cái thực tế để thi thố với người, đừng lấy cái giả mà hoa mắt người. Ta biết gia gia của tôn nhi là chính nhân quân tử, không thể nào giáo dục tôn nhi thành người bá đạo được. Như vậy tôn nhi đã học ai những hành động không minh chánh vậy ?

Hoàng Phi Bằng biết lỗi, trầm ngâm thưa : ― Thưa nội tổ, gia gia con ngày ngày hy vọng mai sau hài nhi sẽ trở thành người hữu dụng cho xã hội. Nhưng những việc vừa rồi là do cháu vô ý, rồi phản ứng tự nhiên, nên cháu hành động thiếu cân nhắc đắn do trong lúc cấp bách. Thực ra cháu không có ý nào khác hơn. Xin tổ phụ tha thứ.

 Hoàng Hạc trầm mặt một lúc nói : ― Bây giờ tôn nhi hãy ngồi đây tập nội công, đến tối hãy tiếp tục luyện võ, sáng mai tổ phụ kiểm tra lại võ học của tôn nhi, hiểu chưa ? Từ lúc này không được tự ý ra khỏi phòng !

Hoàng Phi Bằng biết đây là một hình phạt nghiêm nghị của ông nội mình. Cậu trở về phòng luyện nội công.
Huỳnh Tâm


Chương Hai
Thanh Xuân Quy Hiệp Nhà Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét